Máy thở có hai chức năng quan trọng đó chính là: đưa đủ oxy vào máu và dọn sạch carbon dioxide. Carbon dioxide là một khí có thể tích tụ khi bệnh nhân quá yếu và không tự đưa không khí ra/vào phổi. Đa phần thì chỉ sử dụng máy thở khi có căn cứ biểu thị phổi của bệnh nhân đã bị viêm quá nặng. Khoa cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu được trang bị tổng số 05 máy thở dùng để hỗ trợ đối với những người bệnh thở chậm, ngưng thở, nhịp thở nhanh trên 30 nhịp/phút, rối loạn tri giác, yếu cơ hô hấp. Bác sĩ CK I Lâm Hữu Thiện, Trưởng khoa cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc – Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu chia sẻ: “Có rất nhiều nguyên nhân để bệnh nhân cần thở máy trong đó chủ yếu là tình trạng giảm oxy trong máu trong bệnh lý hô hấp, tim mạch như viêm phổi, suy hô hấp, SARS-CoV-2, hen phế quản, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… Ngoài ra còn có các chỉ định của thở máy tại các cơ quan khác như kiểm soát áp lực nội sọ trong chấn thương đầu, bảo vệ đường thở sau dùng thuốc quá liều, sau ngừng tim, hồi phục sau phẫu thuật kéo dài hoặc chấn thương”.
Sử dụng máy thở giúp bệnh nhân giảm bớt sức lực cho việc phải hít thở ở những người bệnh gặp khó khăn khi tự thở hoặc gặp vấn đề bệnh lý ngăn cản người bệnh tự thở, khi đó người bệnh sẽ bị khó thở và khó chịu. Hỗ trợ đối với bệnh nhân không thể thở vì chấn thương hệ thần kinh, như não hoặc tủy sống hoặc người có liệt cơ hô hấp. Kỹ thuật thở máy còn là biện pháp dùng để hỗ trợ bệnh nhân thở khi bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật, khi mắc bệnh nặng hoặc khi bệnh nhân không thể thở được vì bất kỳ nguyên nhân nào. Bệnh nhân được máy hỗ trợ thở thông qua ống nội khí quản (thở máy xâm nhập) hoặc qua mặt nạ (thở máy không xâm nhập) cho đến khi bệnh nhân có thể tự thở. Thông khí nhân tạo có thể góp phần cứu sống bệnh nhân.
Hệ thống máy thở được trang bị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu
Tuy nhiên, giống như các phương pháp điều trị khác, đôi khi có thể có một số nguy cơ, biến chứng khi thông khí nhân tạo. Nguy cơ tăng lên nếu bệnh nhân sử dụng máy thở trong một thời gian dài: “Về ưu điểm, cải thiện tình trạng trao đổi khí và giảm công thở cho bệnh nhân, tăng thông khí tưới máu. Máy thở có thể giải quyết được 1 phần hoặc toàn bộ tình trạng hô hấp, cho phép chức năng hô hấp được phục hồi tốt. Về nhược điểm có nguy cơ nhiễm trùng, tràn khí màng phổi, tổn thương phổi, khó khăn trong việc cai máy thở”. Bác sĩ CK I Lâm Hữu Thiện, cho biết thêm.
Lớp tập huấn “Đào tạo thở máy: Từ lý thuyết đến thực hành lâm sàng” tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu
ThS.BS Đặng Thanh Tuấn – một trong những chuyên gia hàng đầu trong thở máy của Việt Nam tại lớp tập huấn “Đào tạo thở máy: Từ lý thuyết đến thực hành lâm sàng” - Ảnh bên trái
Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tân Châu cũng tiến hành khai giảng chương trình đào tạo kỹ năng dùng máy thở an toàn. Sự chuyển giao công nghệ y tế thông qua các khóa đào tạo với sự trợ giúp của các chuyên gia hàng đầu trong nước, chính là một cơ hội quý báu để các bác sĩ, điều dưỡng trau dồi kiến thức và góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc khám chữa bệnh ở địa phương./.
Bài, ảnh Hạnh Phúc