Lương y Mai Thanh Hải, sinh ra trong gia đình có 06 anh chị em, trước đây cha là Bác sĩ Quân y ở tỉnh Long An. Sau ngày giải phóng, gia đình thầy Ba Hải di cư về thị xã Châu Đốc nay là Thành phố Châu Đốc. Chia sẻ cùng chúng tôi, cơ duyên đến với nghề y của thầy Ba Hải cũng rất tự nhiên, khi nhiều lúc chứng kiến bệnh nhân bị di chứng của bệnh tai biến, trở thành gánh nặng cho người thân và nhiều bệnh nhân do không có tiền điều trị bệnh nên đành chấp nhận số phận….. từ những thực tế trên, thầy Ba Hải quyết định gác lại chuyện làm kinh tế, đến đầu tháng 07 năm 2018, thầy đăng ký học lớp sơ cấp Đông y tại tỉnh An Giang để điều trị bệnh cho bà con. Lương y Mai Thanh Hải, Chủ tịch Hội Đông y phường Long Châu, chia sẽ: “Đầu tiên, mình trị được bệnh tai biến cho người ta, trị người ta bỏ gậy được, mình mừng; Sau này, trị thêm vài cái bệnh nữa; mình thấy có cái niềm đam mê hay quá, mình đi học thêm, nâng cao tay nghề, đi xuống Củ Chi học trường Trung cấp Tây Sài Gòn, nâng cấp thêm, hiện bây giờ tính luôn phòng khám này được 3 phòng khám”
Mặc dù, không phải là người sinh sống trên địa bàn phường Long Châu nhưng với tấm lòng của một người thầy thuốc, luôn mách bảo với mình, nơi nào cần giúp thì thầy Ba Hải sẽ đến làm, nên khi Phòng chẩn trị Đông y phường được xây dựng xong và khi được Hội Đông y thị xã phân công đến phụ trách địa bàn phường Long Châu thầy vui vẻ đến làm. Giờ đây, khi tiếp chúng tôi tại phòng khách của phòng chẩn trị Đông y phường, đều dễ dàng bắt gặp là hình ảnh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được treo trang trọng trên tường và ngay phòng khám bệnh, một khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu” được treo đối diện với cổng vào của phòng như luôn nhắc nhở về y đức của ngành y.
Mỗi buổi sáng, phòng thuốc Đông y của phường tiếp và điều trị gần 10 người. Đa phần khi bà con đến đây điều trị các bệnh như bệnh tê nhứt, bệnh tim, bệnh thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, các bệnh lý về gan, huyết áp và hen suyễn và cũng đã nhiều người dân khỏi những căn bệnh hiểm nghèo. “Mới ban đầu tôi bệnh tim, xuống Long Xuyên trị đặt máy tạo nhịp rồi tới giờ bị tắc nghẽn mạch máu, rồi đi Thành phố mà người ta nong không được; về đây, đi qua ông Thầy Hải này trị, uống thuốc thì cũng nhẹ, khỏe.”. Cô Nguyễn Thị Chưởng, xã Tân An, TX. Tân Châu.
Còn đối với Cô Lê Thị Trinh, phường Long Châu đang điều trị bệnh tại phòng chẩn trị đông y phường, cho biết: “Tôi bị thoái hóa cột sống, thoái hóa cổ, nên tôi đi Đại học Y, Dược, tôi không có khả năng nên tôi về nhà thuốc Phường Long Châu của ông thầy Ba Hải cho ổng trị, bấm nguyệt, hốt thuốc uống nên bây giờ giảm cỡ 50 -60%”
Trong quá trình thăm khám, bắt mạch cho bệnh nhân, thì thầy thuốc Ba Hải luôn tận tình hỏi thăm tình trạng sức khỏe, bệnh lý rồi thầy ghi chép vào sổ một cách tỉ mỉ, chu đáo, dặn dò cách uống thuốc. Tranh thủ thời gian không có bệnh nhân, thầy thuốc Ba Hải tiếp tục học hỏi các bài thuốc điều trị, lên mạng nghiên cứu thêm những bệnh mới do y sĩ, bác sĩ ở mọi nơi chia sẽ để việc khám chữa trị có hiệu quả từ đó nâng cao tay nghề của mình. Cuối giờ khám bệnh, thầy Mai Thanh Hải còn dành thời gian cho việc chăm sóc, tưới nước cho những loại thảo dược quý tại khuôn viên của Hội Đông y phường. Thầy Hải, bộc bạch “Hiện tại bây giờ mình mở ở đây, thì mình xuất tiền nhà ra; tại vì trị bệnh cho người ta hết bệnh, mình mê, yêu nghề, nghề Đông y này vô giá lắm, học hoài học hoài, ráng theo học thêm, học trị bệnh được cho bà con hết bệnh người ta mừng, mình cũng mừng, mình trị bệnh được bệnh nào đó mình vui lắm”
Nghề Y không chỉ cần có kiến thức, có chuyên môn là đủ mà cần phải có cả trái tim nhân hậu, tấm lòng yêu nghề và cả sự hy sinh thầm lặng. Nhưng chỉ cần khám và điều trị bệnh, thấy bệnh nhân khỏe mạnh thì đó là một điều vô cùng hạnh phúc và đối với lương y Mai Thanh Hải, khi đến với phòng chẩn trị Đông y phường Long Châu. Tin rằng với sự không ngừng học tập của bản thân cùng tình yêu thương đối với bệnh nhân, lương y Mai Thanh Hải sẽ ngày càng nâng cao tay nghề điều trị bệnh cho mọi người góp phần vào thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân./.