Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Phổ biến giáo dục pháp luật - Cải cách hành chính

Văn minh là không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè

Ngày đăng : 21/06/2024
Tác giả : Ngọc Minh
Xem với cở chữ : T T T
Thời gian qua, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là tình trạng chung đã diễn ra trên địa bàn thị xã; người dân chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán không chỉ làm mất mỹ quan mà còn là một trong những nguyên nhân gây cản trở, ùn tắc giao thông và nảy sinh nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông đường bộ.

Hiện nay trên vỉa hè, lề đường một số nơi thường xuyên bị tận dụng thành nơi để xe, đặt biển hiệu quảng cáo, để bàn ghế ăn, nước uống, bày bán các loại hàng hóa rau củ, hoa quả, tạp hóa, để các chậu cây cảnh; lòng đường trở thành điểm kinh doanh của các xe đẩy, hàng rong và thành nơi đậu đỗ xe của người mua hàng.

Việc chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường, đặc biệt gần đây là tình trạng người dân tự ý cơi nới nâng cao lề đường, lòng đường trước sân nhà phần đất nằm trong mốc lộ giới là một trong những nguyên nhân gây nên sự xuống cấp đường giao thông như gây ảnh hưởng hệ thống thoát nước, sụp, lún lộ nhựa do nước mưa dồn hết ra đường đọng lại thành vũng lớn sau mỗi cơn mưa, người tham gia giao thông thường né những vũng nước lớn này nên rất dễ gây ra tai nạn. Ngoài ra, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ còn gây nên ách tắc giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm. Việc đậu, đỗ xe dưới lòng đường để mua bán kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, dễ xảy ra tai nạn, nhất là trên các đoạn đường chính. Nhiều trường hợp tai nạn xảy ra do tài xế không thể quan sát biển báo, đèn tín hiệu do bị biển hiệu quảng cáo che khuất, hoặc có trường hợp tai nạn xảy ra do phương tiện giao thông mất lái và va chạm với người bán hàng lấn chiếm vỉa hè.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có một loạt quy định về việc này. Cụ thể tại Khoản 3, Điều 8 quy định rõ "nghiêm cấm sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép".

Khoản 1, Điều 32 về "Người đi bộ" quy định "người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường. Trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường". Ngoài ra, Khoản 2, Điều 19 về "Dừng xe, đỗ xe trên đường phố" quy định "không được để phương tiện giao thông ở hè phố trái quy định".

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định rõ: Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô "đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển "cấm đỗ xe" hoặc biển "cấm dừng xe và đỗ xe".

Bên cạnh đó, Khoản 1, khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như sau:

- Đối với hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức.

- Đối với hành vi lấn sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông chiếm lòng lề đường có thể phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức.

- Ngoài ra, trong quá trình buôn bán nếu đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định thì cá nhân có thể bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng, tổ chức bị phạt từ 02 - 04 triệu đồng.

- Nếu chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố làm nơi trông, giữ xe thì bị phạt tiền như sau:

- Chiếm dụng từ 05 m2 đến dưới 10 m2: Phạt từ 04 - 06 triệu đồng đối với cá nhân, 08 - 12 triệu đồng với tổ chức.

- Chiếm dụng từ 10 m2 đến dưới 20 m2: Phạt từ 06 - 08 triệu đồng đối với cá nhân, 12 - 16 triệu đồng với tổ chức.

- Chiếm dụng từ trên 20m2: Phạt từ 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân, 20 - 30 triệu đồng với tổ chức.

- Ngoài việc bị áp dụng hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tùy vào từng hành vi cụ thể.

Công tác quản lý hành lang ATGT, giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm, đảm bảo an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thường xuyên; nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Nghiêm túc chấp hành giải tỏa đảm bảo đường thông, hè thoáng, trật tự, văn minh. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị; là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người, của các cấp, các ngành, của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị.

 

 

 

Ngọc Minh

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .