Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Nông nghiệp

Thực hiện mô hình ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa tại xã Tân Thạnh

Ngày đăng : 14/08/2024
Tác giả : Thùy Trang
Xem với cở chữ : T T T
Vụ Thu Đông năm 2024, Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu phối hợp với HTX Nông nghiệp Tân Phú A1, xã Tân Thạnh thực hiện mô hình ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa thương phẩm, với diện tích 50 hecta lúa giống Đài thơm 8. Trong đó, thực hiện thí điểm lồng ghép việc ứng dụng máy bay không người lái (drone).

                  

   Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã tăng cường ứng dụng máy móc, thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp. Chính điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, trong đó phải kể đến việc sử dụng máy bay không người lái. Đây là lần đầu tiên địa phương thực hiện trình diễn ứng dụng công nghệ máy bay không người lái để gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân trong quá trình sản xuất lúa; nông dân được hỗ trợ giống, phân 50% và thuốc BVTV 30%. Ông Trịnh Văn Dứt, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú A1, xã Tân Thạnh, cho biết: “Sạ máy bay thì nó đều hơn lắm, tốt hơn, lúa khỏe mạnh nữa, ủ cũng y gian vậy, ngâm 1 đêm, ủ 1 đêm bắt đầu sạ hà; hầu như là phun máy bay hết; hổng vô mô hình này ở ngoài người ta cũng vẫn sạ bằng máy bay; giảm chi phí vận chuyển lúa giống vô tới đất nữa, 1 bao lúa vậy cũng hết 3,4 chục ngàn rồi; còn phân bón, thuốc thì đưa về cho mình”.

                   

   Ông Trịnh Văn Dứt, chia sẻ thêm: Việc áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất lúa của địa phương, bước đầu được bà con nông dân đồng tình ủng hộ. Theo đó, nếu như sạ lúa theo truyền thống, thì 1 công sẽ tốn khoảng 70.000 đồng, bao gồm chi phí sạ, vận chuyển giống, còn đối với việc áp dụng công nghệ này chỉ tốn 24.000 đồng/công.

                   

   Hơn nữa, nếu sạ tay bà con sử dụng lượng giống lúa từ 13 -15kg/công, còn sạ bằng máy bay chỉ sử dụng 8kg lúa/công. Ngoài ra, việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ này sẽ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nông dân. Đặc biệt, toàn bộ vỏ chai thuốc qua sử dụng được thu gom tập trung và bỏ vào nơi quy định để xử lý, không xả thải ra môi trường. “Giảm nhiều, lượng giống, công lao động nó cũng giảm luôn, giảm rất nhiều. Mình phun bằng máy bay đâu còn tiếp xúc nữa; khỏe ok thoải mái luôn, thấy nó là hạn chế rất tốt đối với con người mình” - Ông Trịnh Văn Dứt, cho hay.

                   

   Từ thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ trong gieo sạ, nhằm giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, công lao động, so với cách làm truyền thống; giảm thiểu độc hại đối với sức khỏe người nông dân. Từ đó, góp phần tăng hiệu quả, thời gian và năng suất sản xuất so với phương pháp thủ công; xây dựng nền nông nghiệp của xã nhà Tân Thạnh, phù hợp với chủ trương áp dụng khoa học công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ sẽ đem đến cho bà con nông dân các giải pháp canh tác thông minh, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả hơn./.

 

 

 

 

Bài, ảnh Thùy Trang

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .