Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Nông nghiệp

Tân Châu: Công tác Bảo vệ thực vật đồng hành cùng bà con nông dân

Ngày đăng : 11/09/2024
Tác giả : Huyền Thoại
Xem với cở chữ : T T T
15 năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, bà con nông dân đã dần thay đổi tư duy từ canh tác truyền thống chuyển sang mạnh dạn ứng dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ cao vào đồng ruộng, từ đó, chất lượng nông sản được nâng lên, lợi nhuận sau thu hoạch tăng cao, trong đó, phải nhắc đến vai trò của ngành chuyên môn đã đồng hành cùng bà con nông dân, đặc biệt, công tác bảo vệ thực vật luôn được quan tâm, chú trọng thực hiện.

                   

   Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 40 của Chính phủ thành lập thị xã Tân Châu, công tác BVTV trên địa bàn thị xã đã được Trạm TT & BVTV thị xã thực hiện với nhiều mô hình hay, tổ chức các cuộc hội thảo và các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất tiên tiến trên cây lúa, nông dân canh tác lúa theo chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRP, công nghệ sinh thái,… Cùng việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào đồng ruộng, như gieo sạ theo hàng, 100% bà con nông dân sử dụng gặt đập liên hợp, ứng dụng vi sinh vào sản xuất; kỹ thuật nhân giống và phục tráng giống lúa,… Kết quả lượng giống lúa gieo sạ từ 250-300kg/hecta trước đây, hiện nay giảm xuống chỉ còn từ 120-150kg/hecta; người dân đã biết cân đối lượng phân bón theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây lúa; biết tiết giảm nước và xiết nước các giai đoạn quan trọng để kích thích cây lúa đẻ nhánh, phát triển bông; gần 100% nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ, một số nông dân có thể tự nhân giống lúa xác nhận để phục vụ cho gia đình và chia lại cho bà con nông dân khác.

                   

   Khẩn trương chuyển lúa về - Ảnh Diệp Thế Nhân

   Đối với trên cây rau màu, Trạm TT & BVTV thị xã mở các lớp kỹ thuật trồng rau màu theo hướng an toàn, sử dụng phân hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao như tưới tự động, công nghệ tưới điều khiển từ xa, đặc biệt là ứng dụng nhà màng, nhà lưới để ươm cây giống, trồng các loại rau màu có giá trị cao như dưa lê, dưa lưới,… Hiện nay, trên địa bàn thị xã đã có 25 nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích 7,37 hecta. Ông Tôn Hồng Tân, Trưởng trạm TT & BVTV thị xã, cho biết: “Trên cây ăn trái mở các lớp kỹ thuật trồng cây ăn trái theo từng loại cây, nội dung giúp nông dân xác định được đất của mình có thể trồng loại cây nào, kỹ thuật lên liếp như thế nào cho phù hợp với từng loại cây, rồi kỹ thuật đắp mô, trồng và chăm sóc, xử lý ra hoa, chiết, ghép cây, nhận biết dịch hại và biện pháp quản lý cho từng loại cây đó. Kết quả trước đây diện tích cây ăn quả dưới 300 hecta nhưng đến nay nâng lên 1.385,5 hecta. Trong đó có một số vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung như vùng bao Vĩnh Xương – Phú Lộc, đây là một vùng bao đã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và vùng cây ăn trái này cũng đã xây dựng nhiều mã số vùng trồng và liên kết với các doanh nghiệp để xuất khẩu cây ăn trái ra nước ngoài, nâng hiệu quả sản xuất lên gấp trên 5 lần trồng lúa. Và trên cây ăn trái cũng được ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tưới tự động, tưới điều khiển từ xa, tuyển trái để bao lại để tạo trái có mẫu mã đẹp,…”

                  

   Nổi bật là các buổi tập huấn cấp mã số vùng trồng cho bà con nông dân được Trạm TTT & BVTV thị xã thực hiện tại các địa phương, từ đó, đã có nhiều nông sản được kí kết với Công ty và xuất khẩu sang nước ngoài. “Hiện nay HTX cũng đang kí hợp đồng với Công ty Nhà Quỳnh và bà con nông dân, cũng đã có đăng kí theo hướng xoài sạch, bao sạch với giá cũng ổn định cũng là điều đáng vui mừng và hy vọng sắp tới, bà con mình đăng kí làm theo xoài sạch nhiều hơn, để cho HTX càng ngày càng đi xa hơn nữa”- Ông Huỳnh Văn Hiệp, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã vườn cây ăn trái vùng bao Vĩnh Xương - Phú Lộc, chia sẻ.

                   

   15 năm qua với sự hỗ trợ nhiệt tình của các cấp, từ t   ỉnh đến địa phương và cơ sở, cùng với Trạm TT & BVTV thị xã có đội ngũ viên chức, nhân viên có trình độ, năng lực tốt, có kinh nghiệm lâu năm trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham gia nhiều nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển nông nghiệp địa phương. Đồng thời, bà con nông dân luôn ủng hộ, nhiệt tình học tập, ứng dụng vào sản xuất, tham gia thực hiện các mô hình sản xuất tiến bộ mới. Song song, thị xã quan tâm, xây dựng hệ thống đê bao ngày càng bảo đảm, hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn chỉnh góp phần phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân và các phương tiện phục vụ sản xuất ngày thuận lợi; tuy nhiên, công tác Bảo vệ thực vật cũng gặp phải những khó khăn nhất định. ông Tôn Hồng Tân, cho biết: “Khó khăn là đê bao sản xuất 3 năm 8 vụ đã lâu năm làm cho đất cạn kiệt dinh dưỡng, phải tăng lượng phân bón trên đơn vị diện tích lên, tích lũy nhiều độc chất làm cho cây lúa phát triển kém đưa đến khả năng chống chịu dịch hại bị kém đi. Các giống lúa sản xuất trước đây ngắn ngày từ 85-95 ngày nên có thể bảo đảm lịch thời vụ cho 3 vụ lúa trên năm, nhưng các giống lúa này đa số có chất lượng gạo kém không xuất khẩu được; nhiều năm nay nông dân đã chuyển qua sản xuất lúa chất lượng cao, các giống lúa này có thời gian sinh trưởng từ 105 – 120 ngày, từ đó khi sản xuất 3 vụ/năm gây lệch mùa vụ, không có thời gian cắt vụ, thường thì giữa 2 vụ gối nhau gần 1 tháng làm cho dịch hại tích lũy ngày càng nhiều, một số đối tượng trước đây phát triển ít nhưng hiện nay bộc phát cao gây ảnh hưởng đến sản xuất”.

                  

   Ngoài ra, diện tích đất trên hộ dân quá ít, do đó khó phát triển cơ giới hóa lớn trong sản xuất nói chung, hay nói riêng công tác bảo vệ thực vật thực hiện không đồng bộ, đồng loạt trên cánh đồng, có trường hợp nông dân xử lý trước, nông dân xử lý sau làm cho nguồn dịch hại không bị cắt đứt triệt để, dịch hại có thể di chuyển qua lại từ ruộng này sang ruộng khác. Một số kênh mương bị bồi lắng, mực nước ngày cạn kiệt làm cho một số khu vực nước phục vụ tưới không kịp thời, nhất là cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu. “Thứ nhất, hiện nay thời tiết biến đổi khó lường, dịch hại ngày càng nhiều, do đó, thời gian tới, Trạm tăng cường hơn nữa công tác điều tra phát hiện và dự báo tình hình dịch hại để có những thông báo, hướng dẫn nông dân quản lý kịp thời, bảo vệ sản xuất an toàn; thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình công nghệ cao; thứ ba, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh để cung cấp lượng nông sản lớn tập trung cho các Công ty; thứ tư, xây dựng nhiều mã số vùng trồng cho cây lúa, cây rau màu và cây ăn trái để giúp cho việc xuất khẩu nông sản của người dân được tiện lợi hơn. Đồng thời từng bước nâng các vùng trồng này lên sản xuất theo tiêu chí VietGap và LoboGap; thứ năm, mời gọi các công ty đến liên kết tiêu thụ nông sản lâu dài cho nông dân; thứ sáu, hỗ trợ các địa phương hoàn thành và duy trì các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong lĩnh vực nông nghiệp; thứ bảy, đẩy mạnh việc thực hiện đề án 01 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Đó là, 07 nội dung lớn Trạm sẽ thực hiện trong thời gian tới”- Ông Tôn Hồng Tân, Trưởng trạm TT & BVTV thị xã, nhấn mạnh.

                 

   Tân An mùa rẫy mới - Ảnh Nguyễn Văn Huy

   Có thể khẳng định rằng, bức tranh nông nghiệp của thị xã Tân Châu với những thành tựu nổi bật, qua 15 năm qua có sự đóng góp rất lớn của công tác bảo vệ thực vật, tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm, những phương hướng trọng tâm được đề ra sẽ là nền tảng để Trạm TT & BVTV thị xã tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân, góp phần đưa nền nông nghiệp xứ lụa Tân Châu ngày càng phát triển bền vững, hiện đại trong thời gian tới.

 

 

 

Huyền Thoại

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .