Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Nông nghiệp

Tân Châu: Sắc hoa vàng cánh đồng thực hiện mô hình công nghệ sinh thái

Ngày đăng : 10/03/2021
Tác giả : Huyền Thoại
Xem với cở chữ : T T T
Trên tuyến đường giao thông nội đồng ấp Tân Hậu B2, xã Long An, thị xã Tân Châu, mọi người sẽ bị thu hút bởi sắc vàng rực rỡ hai bên đường và cả bờ ruộng. Đây là địa điểm, Trạm Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Thị xã Tân Châu thực hiện mô hình công nghệ sinh thái, một mô hình tiến bộ khoa học kĩ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, phát triển trên nền tảng quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Mô hình đã được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá cao.

                 

     Mô hình công nghệ sinh thái thực hiện với diện tích 5,6 hecta có 06 hộ tham gia. Tại mô hình, bà con nông dân trồng hoa nhái, hoa hướng dương, mào gà… dọc theo đường giao thông nội đồng và bờ ruộng, đến nay, hoa đã nở vàng rực cả tuyến đường. Chú Trần Văn Hòa, ấp Tân Hậu B2 – xã Long An – thị xã Tân Châu, chia sẻ: “Xã Long An được chọn là xã Nông thôn mới nâng cao, thành ra ý nông dân muốn cái gì cho nó cũng cao, cho nó đẹp tôi thấy mô hình đạt kết quả, hằng năm, sâu rầy tấn công, xịt cũng tưa lường, nhưng mà từ lúc trồng bông dụ thiên địch thì đến nay, đất lúa giảm hai cử thuốc rồi đó, giảm nhẹ chi phí xuống một chút, có quyền lợi cho nông dân”.

                 

     Khi trồng hoa trên bờ ruộng, không chỉ tạo sắc vàng rực rỡ làm đẹp cảnh quan môi trường, mà còn thu hút các loài sinh vật đến cư trú sinh sản, nhân mật số gọi chung là thiên địch. Cụ thể có 02 nhóm, nhóm bắt mồi và nhóm kí sinh. Trong đó, nhóm bắt mồi gồm có nhện, bọ ba khoang, kiến ba khoang đuôi nhọn và bọ xít mù xanh. Đối với nhóm ong kí sinh, khi mà bà con nông dân trồng cây có hoa sẽ thu hút rất nhiều loài ong đến trú ẩn, sinh sản, tấn công và kiềm hãm sự phát triển các loài sinh vật gây hại cây trồng như sâu rầy, từ đó, giúp cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng.

                 

     Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả, sự tham gia tích cực của bà con nông dân trong quản lý, chăm sóc hoa là điều cần thiết, vì cái chung và vì quyền lợi đạt được trong sản xuất nông nghiệp. “Ở đây, thấy cỏ lên là tôi dọn hà, với lúc đầu tôi tưới nước 03 ngày một lần, giờ lưa ra tuần lễ tưới lần. Theo tôi thấy, mô hình này có hiệu quả, thành ra tôi muốn để nghị nhân rộng ra thêm nữa, để cho nông dân mình giảm nhẹ chi phí, có lợi nhuận nhiều hơn”. Chú Hòa, mong muốn.

                 

                 

     Với kết quả đạt được trong quá trình sản xuất nông nghiệp trên diện tích mô hình công nghệ sinh thái triển khai thực hiện, ông Huỳnh Văn Chúc, phó Trưởng trạm Trồng trọt & Bảo vệ thực vật thị xã, cho biết: “Khi tham gia chương trình hạn chế đến mức tối đa thuốc BVTV, đặc biệt là hai nhóm thuốc là trừ sâu, trừ rầy vào đồng ruộng, từ đó bà con mình giảm được chi phí sản xuất, đồng thời tăng lợi nhuận, bên cạnh, nếu áp dụng tốt theo mô hình này, sẽ giảm được ô nhiễm môi trường, bảo vệ được sức khỏe của cộng đồng và đồng thời tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Trong thời gian tới, Trạm TT & BVTV sẽ tiếp tục đề nghị một số cơ quan để xin cấp thêm kinh phí để tiếp tục nhân rộng và mở rộng thêm nhiều mô hình như thế này giúp cho bà con. Đồng thời trong các cuộc hội thảo, khuyến nông, dạy nghề, chúng tôi sẽ lồng ghép chương trình này, để vận động bà con tham gia chương trình này”.

               

     Mô hình công nghệ sinh thái thực hiện đã góp phần giải quyết bài toán kinh tế trong giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu rầy, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe nông dân và người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn.

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .