Toàn tỉnh đã thu hoạch vụ Đông Xuân 2020 – 2021 được hơn 13.000 hecta, năng suất thu hoạch ước đạt 7,14 tấn/hecta, tăng hơn 0,4 tấn/hecta so với thời điểm vụ Đông Xuân năm trước. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tạo được sự yên tâm cho người chăn nuôi. Những tháng đầu năm chủ yếu tập trung cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đã thực hiện 43 đợt tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Tính đến tháng 2/2021, toàn tỉnh đã có 17 xã đạt 19/19 tiêu chí, 35/35 chỉ tiêu theo Bộ tiêu xã nông thôn mới nâng cao tỉnh An Giang theo Quyết định số 1005.
Tình hình thiên tai năm 2020 trên địa bàn tỉnh ước tổng thiệt hại gần 250 tỷ đồng, xảy ra 61 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài sạt lở hơn 3 300m, ảnh hưởng đến 119 căn nhà phải di dời khẩn cấp; có hơn 17.000 hecta lúa, hoa màu, cây ăn trái thiệt hại.
Tại thị xã Tân Châu, vụ Đông xuân 2020 - 2021, hiện nay, bà con nông dân đã thu hoạch hơn 799 hecta lúa và rau màu, dự kiến đến ngày 02/5/2021 thu hoạch dứt điểm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, giá cả nông sản có bị ảnh hưởng nhưng ước tính quý 1 năm 2021, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo mức tăng trưởng theo nhiệm vụ kinh tế xã hội. Kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu năm 2021, tổng diện tích sản xuất hơn 11.600 hecta lúa và rau màu. Phương hướng thời gian tới, thị xã phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại OCOP trong và ngoài tỉnh. Đưa nội dung Đề án OCOP của tỉnh An Giang vào kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh tế tập thể để tổ chức thực hiện.
Trong năm 2020, trên địa bàn thị xã Tân Châu xảy ra 4 điểm sạt lở đất bờ sông với tổng diện tích là 1.420m2, ảnh hưởng 10 hộ cần phải di dời. Từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn thị xã xảy ra 11 đoạn sạt lở. Trước tình hình trên, để hạn chế phần nào sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, Ban chỉ huy Ứng phó với Biến đổi khí hậu, phòng chống thiên và TKCN thị xã chủ động đề ra những giải pháp ứng phó với tình hình sạt lở đất bờ sông, kênh rạch nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất thường xuyên theo dõi diễn biến và cảnh báo tình hình sạt lở. Tổ chức thực hiện giúp dân di dời nhà, tài sản của người dân trong vùng sạt lở đến nơi an toàn. Chỉ đạo các ngành chuyên môn cùng các đơn vị Quân sự, Công an ứng trực 24/24 tại điểm có nguy cơ sạt lở nhằm hỗ trợ ứng phó kịp thời. Rà soát các hộ dân di dời do bị sạt lở để thực hiện các chính sách hỗ trợ đột xuất và lâu dài, đúng đối tượng theo quy định. Đồng thời, lập kế hoạch xây các cụm tuyến dân cư để bố trí các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đúng theo quy định.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Trần Anh Thư, phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá cao sự nỗ lực các ngành, các địa phương phát triển lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Đồng thời đề nghị các địa phương tập trung thực hiện 13 nội dung trọng tâm, trong đó cụ thể hóa kế hoạch phòng chống thiên tai của tỉnh phù hợp tình hình thực tế địa phương, phòng ngừa tình hình hạn kiệt, sạt lở đất bờ sông, thành lập đội xung kích cấp xã, phường chủ động phòng chống trước, trong và sau thiên tai. Các địa phương tích cực tham gia ngày hội sản phẩm OCOP và trưng bày sản phẩm đặc sản vùng miền. Tổ chức thanh, kiểm tra chất lượng nông, lâm sản, các dự án đầu tư công nguồn vốn ODA. Đối với thị trường lúa gạo và xoài cần có định hướng, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để đảm bảo thị trường ổn định, nông dân an tâm sản xuất và tiếp tục phát triển lĩnh vực nông lâm thủy sản theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh đã đề ra.