Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Sức khỏe và đời sống

TÂN CHÂU: CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH SỞI

Ngày đăng : 04/04/2025
Tác giả : Hạnh Phúc
Xem với cở chữ : T T T
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut Sởi gây ra, có khả năng lây lan mạnh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể xuất hiện biến chứng thậm chí là tử vong. Sởi là một bệnh lưu hành rộng, vì thế bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, cộng thêm mức độ lây lan của bệnh rất nhanh nên rất dễ bùng phát thành dịch. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh đã xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vắc xin sởi, chưa từng mắc bệnh sởi trước đó.

   Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Số mắc bệnh chủ yếu ở trẻ em chưa được gây miễn dịch. Bác sĩ CKI Lâm Vũ Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã nói:Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do vi rút Sởi gây ra. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... có thể gây tử vong ”.

   Bệnh có các triệu chứng khởi đầu: Sốt, viêm màng kết mạc mắt, viêm sổ mũi, ho. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban đầu từ mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4 – 7 ngày. Bệnh sởi có thể trở nặng và tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng của người bệnh. Thời gian ủ bệnh sởi trong khoảng 10 ngày, nhưng cũng có thể giao động từ 7 đến 18 ngày kể từ khi tiếp xúc đến khi bắt đầu sốt, thường là 14 ngày cho đến khi phát ban, rất hiếm có thời gian ủ bệnh kéo dài hơn hoặc ngắn hơn.

   Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi là những đối tượng nhạy cảm, do đó, cha mẹ cần cho trẻ đi khám kịp thời khi có dấu hiệu gồm thở nhanh, mất nước, khóc nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, tiêu chảy, đau mắt, mắt có gỉ, sốt kéo dài, loét miệng,.... Hầu hết trẻ nhỏ bị tử vong là do biến chứng của sởi. Trung bình cứ 3.000 ca mắc bệnh sởi, lại có 1 ca tử vong do mắc các biến chứng của sởi gây ra. Bác sĩ CKI Lâm Vũ Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã cho biết thêm: Tính từ đầu năm đến ngày 24/03/2025, tình hình bệnh Sởi của An Giang ghi nhận 895 trường hợp Sốt phát ban nghi Sởi, dương tính Sởi là 38 trường hợp. Riêng thị xã Tân Châu từ đầu năm đến nay ghi nhận 54 trường hợp Sốt phát ban nghi Sởi, trong đó dương tính Sởi là 05 trường hợp, đa phần là trẻ 6-10 tuổi. Các biến chứng của bệnh sởi bao gồm: Viêm tai giữa: trung bình 10 ca mắc sởi lại có 1 trường hợp gặp biến chứng viêm tai. Viêm phổi: có khoảng 10% trường hợp mắc sởi sẽ có biến chứng viêm phổi. Tiêu chảy: xảy ra ở 8 trong 10 trường hợp mắc bệnh sởi. Viêm não, viêm màng não: Đây là biến chứng khá phổ biến, cứ 1.000 trường hợp lại có 1 ca biến chứng viêm não với nguy cơ cao gây tử vong. Ở phụ nữ mang thai, bệnh sởi làm tăng gấp 2 lần nguy cơ nhập viện điều trị với 26% biến chứng viêm phổi và khoảng 20 – 60 % nguy cơ thai phụ sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Ngoài ra, bệnh sởi còn có thể gây ra rất nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như loét giác mạc gây mù loà, viêm cơ tim, viêm phổi mô kẽ thâm nhiễm…”.

   Nhận định xu hướng dịch, Ngành Y tế cho biết, đa số trường hợp mắc bệnh ở nhóm trẻ em từ 09 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ 72,7%. Chủ yếu bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng, chiếm hơn 95%. Các phương pháp điều trị sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng kết hợp cùng chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe người bệnh. Xây dựng chế độ dinh dưỡng và kết hợp với đảm bảo vệ sinh, tránh lây nhiễm. Bác sĩ CKI Lâm Vũ Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã chia sẻ: Xử trí khi trẻ có dấu hiệu nghi mắc Sởi: Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và các biến chứng nặng do sởi gây ra. Do đó, việc chăm sóc cho trẻ đóng vai trò rất quan trọng. Đầu tiên là cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành; Đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường thức ăn giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ; Cho trẻ uống nhiều nước như: dung dịch Oresol, nước ép quả tươi, nước lọc..., đặc biệt khi trẻ sốt cao, tiêu chảy; Vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể cho trẻ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để hạn chế các biến chứng của sởi. Không nên kiêng tắm, kiêng gió vì sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn”.

   Theo đó, Bộ Y tế dự báo dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng. Tiêm Vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%. Tiến hành tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia. Ngoài ra, cần tuân thủ nguyên tắc như cách ly người bệnh tại nhà hoặc tại các cơ sở theo nguyên tắc. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh khi không cần thiết. Rửa tay thường xuyên nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Virus sởi lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người bệnh do đó cần vệ sinh, sát trùng mũi họng thường xuyên để tránh lây nhiễm. Xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, nâng cao thể trạng.

   Bác sĩ CKI Lâm Vũ Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã nhấn mạnh: Về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi theo chỉ đạo Thực hiện công điện 23/CĐ-TTg ngày 15/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Y tế thị xã Tân Châu đã thực hiện Kế hoạch chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi năm 2025, đối tượng là trẻ 6- dưới 9 tháng; trẻ 6-10 tuổi. Hãy đưa trẻ đến các Trạm Y tế xã, phường để được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đủ 2 mũi theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế, trẻ sẽ được phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Tiêm mũi 0: khi trẻ được 6-8 tháng tuổi; tiêm mũi 1: khi trẻ được 9 tháng (02 mũi tiêm này cách nhau 01 tháng trong chiến dịch). Tiêm mũi 2: khi trẻ đến 18 tháng tuổi”.

   Chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời./.

 

 

 

Bài, ảnh Hạnh Phúc

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .