Có lẽ không ai không từng một lần nghe đến tên gọi lụa Tân Châu nổi tiếng một thời của xứ An Giang. Nơi không chỉ nổi tiếng về những truyền thuyết, những di tích, mà còn được biết đến như thời vàng son của một làng nghề độc đáo.
Sự nổi tiếng của lụa Tân Châu chính là sự mềm mại, dai, bền và hút ẩm cao từ nguyên liệu tơ tằm tự nhiên. Các trang phục may từ lụa tân Châu đều mang đến cho người mặc cảm giác thoải mái, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp về mùa đông. Vì vậy, thật xứng danh khi được mọi người gọi lụa Tân Châu là “Nữ hoàng” của các loại tơ.
Có thể nói, nguyên liệu để làm lụa Tân Châu đều do người dân nơi đây tự làm ra, từ việc trồng dâu nuôi tằm để sản xuất ra lụa hoặc trồng cây mặc nưa lấy trái làm thuốc nhuộm. Để dệt ra một cây lụa Tân Châu, người thợ phải mất rất nhiều thời gian và công sức với nhiều công đoạn khác nhau. Trước tiên là công đoạn chọn tơ. Người thợ phải chọn loại tơ tằm tốt để quay, móc cửi rồi đưa lên khung dệt. Sau khi dệt xong, người thợ bắt đầu công đoạn làm phẩm màu. Để tạo màu cho sản phẩm lụa, người ta chọn những trái mặc nưa lớn và còn xanh (không chọn những quả chín vì không còn nhựa) sau đó giã nát bằng cối đá hoặc bằng máy nghiền rồi hòa vào nước tạo nên một dung dịch có màu vàng rất đẹp, màu này sẽ chuyển sang màu đen huyền khi tiếp xúc với không khí và nhiệt độ. Dung dịch này được gạn bỏ bả và được dùng để nhuộm lụa Tân Châu. Trung bình, để nhuộm một cây lụa 10 mét phải cần 50kg mặc nưa.
Công đoạn nhuộm lụa được xem là công đoạn quan trọng nhất và kỳ công nhất, phải nhúng lụa vào nước mặc nưa khoảng 100 lần để từng sợi tơ được thấm đều. Sau mỗi lần nhúng, phải dùng tay vắt kỹ rồi đem phơi khô. Khi phơi phải xem trời nắng tốt để phơi cho được 4 nắng/ngày. Nếu phơi lúc mưa hoặc nắng yếu, lụa sẽ kém chất lượng. Thời gian nhuộm và phơi mất khoảng 40 - 45 ngày thì sản phẩm lại bắt đầu một cuộc hành trình mới để trở thành những bộ trang phục tuyệt đẹp trong sự nhìn ngắm và trầm trồ của bao người bởi sự lóng lánh tuyệt vời của nó.
Do phải mất nhiều thời gian và công sức để làm ra lụa Tân Châu, do vậy giá cả của một thước lụa làm ra khá đắt. Chính vì vậy vào khoảng những năm 60 -70, sản phẩm này không còn thích hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân, từ đó dần bị mai một. Nếu thị trường trong nước ít chuộng bởi sự đắt đỏ thì thị trường nước ngoài lại kén về màu sắc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trong xu hướng phát triển chung cùng với trào lưu thời trang hướng đến những sản phẩm có chất lượng cao mang dấu ấn dân tộc, do vậy lụa Tân Châu đã bước đầu được khôi phục và tìm được chỗ đứng xứng đáng cho mình. Bên cạnh màu đen truyền thống do nguyên liệu nhuộm tự nhiên của quả mặc nưa, những người sản xuất lụa Tân Châu còn tìm kiếm những kỹ thuật nhuộm nhiều màu khác nhau nhằm phục vụ nhu cầu ngày một đa dạng của du khách. Đây chính là cơ hội quý báu để một làng nghề vốn nổi tiếng, đã lặng im từ lâu, nay có thể khôi phục lại như thời vàng son trước kia. Để làng lụa Tân Châu hôm nay lại tiếp tục một cuộc hành trình mới của những sáng tạo nghệ thuật, của những giá trị truyền đời và một sinh khí lao động mới với đầy những tiếng cười vui lại vang lên trên những nương dâu ngút ngàn dường như vô tận, với tiếng khung cửi ngày đêm lại vang lên như bản hòa tấu được cất lên từ những đôi tay tài hoa của người thợ dệt.
15/07/2019
15/07/2019