Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Nét hương quê lụa

Tân Châu: Khai thác tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Ngày đăng : 08/03/2021
Tác giả : VĂN PHÔ
Xem với cở chữ : T T T
Tân Châu là một thị xã biên giới, của tỉnh An Giang, là điểm đầu nguồn của sông Tiền, có đường biên giới dài khoảng 6,2 km, giáp với nước bạn Campuchia, có cộng đồng dân tộc Chăm sinh sống trên địa bàn xã Châu Phong, nơi tiếp giáp với Thành phố Châu Đốc. Với nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái và du lịch văn hóa như: Cồn bãi, sông nước, các cơ sở dệt thổ cẩm, dệt lụa, dệt gấm, dệt chiếu UZU,… Từ điều kiện và tiềm năng nêu trên, sẽ mở ra nhiều cơ hội, để lãnh đạo thị xã Tân Châu định hướng và phát triển ngành du lịch thị xã trong thời gian tới.

Tân Châu có 11 di tích lịch sử văn hóa, trong đó đã có 02 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Trong số các di tích xếp hạng, có nhiều di tích nổi tiếng, lưu giữ những trang sử hào hùng của dân tộc quê hương như: Chùa Giồng Thành được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia liên quan đến cuộc đời hoạt động của cụ Phó bản Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu Di tích lịch sử cách mạng – Danh thắng Phù Sơn Tự (Núi nổi),… Ngoài ra, hầu hết các xã, phường ở Tân Châu đều có đình, chùa – nơi sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng dân gian của cộng đồng dân cư. Ngoài ra Tân Châu có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể khá phong phú để kết hợp với phát triển du lịch như: Hoạt động đờn ca tài tử rộng khắp, các lễ hội cúng Đình, cúng ông Thần nông, cúng ông Thần núi…. Những thắng cảnh, di sản và di tích nói trên là một lợi thế để phát triển du lịch của thị xã Tân Châu, hình thành các tour du lịch trong địa bàn thị xã, và liên kết du lịch trong tỉnh và liên tỉnh.

Bên cạnh đó, Tân Châu còn có lợi thế về địa thế cồn bãi thuận lợi cho việc canh tác hoa màu, chăn nuôi thủy sản ở khu cồn, bãi. Có thể hình thành các tour du lịch nông nghiệp kết hợp sinh thái, từ đó sẽ góp phần tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho người dân nói riêng và du lịch Tân Châu nói chung. Đặc biệt trên địa bàn thị xã có 02 làng nghề nổi tiếng: Làng nghề lụa Tân Châu ở phường Long Châu; làng nghề dệt thổ cẩm và món ăn Tung lò mò (Lạp xưởng bò) của dân tộc Chăm. Đây được xem là một lợi thế để Tân Châu phát triển du lịch đặc trưng so với các địa phương khác. Ngoài ra, Tân Châu còn được xem là một điểm dừng chân lý tưởng cho những tour du lịch trên sông bằng tàu thủy của các công ty du lịch lữ hành với những tuyến du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh – Sim riệp Camphuchia.

    

Hiện nay, thị xã Tân Châu phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề tài/dự án “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch thị xã Tân Châu giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề tài/dự án này đã được UBND tỉnh An Giang phê duyệt và thời gian tới sẽ tiến hành triển khai trên địa bàn thị xã Tân Châu. Và để ngành du lịch phát triển, thị xã Tân Châu đã và đang đầu tư từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông như: nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Tri Phương với quy mô 2,28 hecta; nâng cấp đường Nguyễn Công Nhàn, Nguyễn Thị Định mở rộng giao thông phục vụ hoạt động du lịch với chiều dài 1.900m; Nâng cấp mở rộng mặt đường lộ 953 từ Trung tâm thị xã đến xã Châu Phong với chiều dài 15 km; Hoàn thành Công trình cầu Tân An; nâng cấp mở rộng tuyến lộ nông thôn bờ nam kênh Tân An (đoạn tiếp giáp tỉnh lộ 952 đến khu di tích lịch sử - Danh thắng Phù Sơn Tự (Núi nổi) nhằm tạo điều kiện lưu thông đi lại thuận tiện để phát triển tiềm năng du lịch của khu di tích này. Ngoài ra, thị xã còn tập trung quy hoạch tuyến phố trên địa bàn phường Long Hưng thành tuyến phố văn minh và đưa khu ẩm thực phường Long Hưng vào hoạt động nhằm phục vụ cho nhu cầu ăn uống của khách du lịch và người dân địa phương.

 

Công tác quảng bá và xúc tiến du lịch được chú trọng, thực hiện với nhiều hình thức như: quảng bá trên cổng thông tin điện tử thị xã, thông qua đại diện của các công ty du lịch lữ hành đường thủy; hỗ trợ và hướng dẫn đoàn tham quan các cơ sở dệt lụa, chiếu Uzu và xem mô hình thi chọi gà tre nghệ thuật nhân sự kiện tháng du lịch An Giang. Bên cạnh đó, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đoàn tham quan học tập và các đoàn quay phim đến Tân Châu ghi hình, góp phần quảng bá hình ảnh cho du lịch Tân Châu. Tham gia các gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của thị xã Tân Châu do tỉnh và địa phương tổ chức.

     

Trong thời gian qua, thị xã Tân Châu thực hiện chính sách tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư vào khu du lịch sinh thái cồn Long Châu – Vĩnh Hòa: sẽ tập trung phát triển thủy sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Phần diện tích còn lại sẽ phát triển cây ăn trái (Xoài Thơm – đặc sản của vùng đất vĩnh Hòa,…) và rau màu phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện nay, trên địa bàn Tân Châu có các sản phẩm du lịch như: du lịch sông nước cồn bãi; du lịch tâm linh gắn liền với các khu Di tích Đình, Chùa, Thánh đường, Miếu… các sản phẩm thủ công gồm: Lụa Tân Châu, Lãnh Mỹ A, thổ cẩm, chiếu Uzu; các món ẩm thực đặc sản như: Tung lò mò (lạp xưởng bò) của dân tộc Chăm, mắm cá mè vinh, bánh bò út Dứt, xoài thơm Vĩnh hòa, ngoài ra còn có loại hình giải trí chọi gà tre nghệ thuật, nghệ thuật biểu diễn Đờn ca tài tử.

Với những lợi thế và tiềm năng vốn có trên địa bàn, thời gian qua chính quyền địa phương đẩy mạnh việc khai thác các tiềm năng du lịch, tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn gồm: du lịch trên sông nước kết hợp cồn bãi sinh thái (khu vực Long Châu – Vĩnh Hòa); củng cố và phát triển các ngành nghề truyền thống Lụa Tân Châu, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm ở xã Châu Phong, dệt chiếu Uzu ở phường Long Châu; trùng tu và phát huy giá trị các khu Di tích được xếp hạng gắn với phát triển du lịch như: Chùa Giồng Thành, Thánh đường Mubazark, chùa Bửu Sơn Kỳ Hương; Khu di tích Phù Sơn Tự (Núi nổi); nâng cấp và cải tạo Khu di tích Giồng Trà Dên.

    

Để khai thác tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn. Thời gian tới, thị xã Tân Châu đã đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ gắn sát với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, Tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch và lập dự án đầu tư hạ tầng tại một số điểm du lịch trọng điểm của thị xã. Đối với những điểm du lịch chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch thì cần tiếp tục bảo tồn, tôn tạo cả về di tích và cảnh quan môi trường du lịch. Thực hiện phối hợp nhiều nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông trên toàn thị xã, nhằm tạo sự thuận lợi cho việc đi lại, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, giới thiệu về những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử, văn hóa; những nét văn hóa  đặc sắc của Tân Châu. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý Nhà nước, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch được phê duyệt; tăng cường đầu tư trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể, các cảnh quan thiên nhiên; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã.  Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào khảo sát, đầu tư; xây dựng cơ chế ưu đãi, mời gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch nhằm phát triển du lịch một cách bền vững.

 

Trong các dự án cần quan tâm đến sự gắn kết giữa các công trình phát triển kinh tế - xã hội với phát triển du lịch. Các công trình đầu tư phải có sự phối hợp giữa các ngành chuyên môn để đảm bảo đúng quy hoạch, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo môi trường, tính đồng bộ, tính hiện đại, lâu dài. Khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển sản xuất các sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách. Có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại Tân Châu và các cá nhân, hộ dân có nhu cầu phát triển hoạt động du lịch. Liên kết tổ chức các sự kiện nhằm thu hút khách du lịch về địa phương như tổ chức những ngày hội văn hóa, những giải thể thao lớn, xây dựng sản phẩm mang tính thương hiệu của Tân Châu. Liên kết các tour, tuyến trong vùng nhằm khai thác có hiệu quả sản phẩm và những lợi thế của các địa phương.

Hy vọng rằng, với tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã như: Cồn bãi, sông nước, các cơ sở dệt thổ cẩm, dệt lụa, dệt gấm, dệt chiếu UZU,… sẽ từng bước sớm đưa ngành du lịch thị xã đầu nguồn biên giới Tân Châu phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch đến tham quan và mua sắm trong thời gian tới.

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .