Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Sức khỏe và đời sống

Tăng cường công tác phòng chống bệnh dại

Ngày đăng : 17/04/2024
Tác giả : Hạnh Phúc
Xem với cở chữ : T T T
Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm đối với tất cả mọi người. Đây là một bệnh truyền nhiễm từ động vật mắc bệnh lây sang cho con người bằng các vết cắn, vết xước… và một thời gian ngắn sau con người sẽ lâm vào trạng thái mắc bệnh, lên cơn dại, rất nguy hiểm có thể tử vong. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tính từ ngày 01/01 đến 20/02/2024 cả nước đã xảy ra 17 ca tử vong nghi dại/ do dại ở 13 tỉnh/thành phố, tăng 8 ca so với cùng kỳ 2023 (9 ca). Tại huyện Châu Phú ghi nhận 06 người ở 2 xã Ô Long Vĩ và Bình Phú bị chó cắn, trong đó có 1 con dương tính với virus dại. Đó là nguy cơ virus dại đã lưu hành trên địa bàn tỉnh An Giang.

   Vào mùa hè thời tiết nắng nóng cũng chính là mùa bùng phát dịch bệnh dại mạnh nhất. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật nuôi như chó, mèo bị dại lây qua vết cắn, liếm hoặc tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo qua các vết thưng hở. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chó, chồn, dơi và các động vật có vú khác. Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2 - 8 tuần và có thể kéo dài đến trên 1 năm, thời gian này phụ thuộc vào lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong. Bác sĩ CKII Nguyễn Phước Hải, Giám đốc Trung tâm y tế thị xã cho biết thêm: “Virus dại thuộc họ Rphabdoviridae, thuộc giống Lyssavirus, sống ở nơi hoang dại, nên dễ thâm nhập vào các động vật có vú như là chuột, mèo và chó. Khi con người bị con vật mang virut dại cắn, cào tạo vết sướt trên cơ thể, thì virus dại sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây ra bệnh dại. Vì thế, chúng ta cũng phải quan tâm đến vấn đề phòng bệnh, quan tâm kể cả các loài động vật”.

                   

   Bệnh dại khi phát sẽ có 2 thể chính bao gồm thể viêm não và thể liệt. Đối với thể viêm não, người bệnh sẽ có biểu hiện sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long lanh, co thắt cơ hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và sẽ tử vong nhanh chóng. Đối với thể liệt, xuất hiện liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 6 ngày. Tuy nhiên có một số trường hợp, người bị chó, mèo cắn vì quá lo sợ nên đã ám ảnh mình bị dại và sinh ra nhiều biểu hiện, hành động và âm thanh khác thường. Đó là những trường hợp được cho là giả dại. Trên thực tế, người bị dại sẽ hoàn toàn tỉnh táo cho đến lúc chết chứ không hề điên dại.

   Bệnh có rất nhiều biểu hiện, thời gian phát bệnh dài hay ngắn phụ thuộc vào vết cắn, vết cắn càng gần thần kinh Trung ương (đầu, mặt, cổ) vết thương càng nặng thì thời gian phát bệnh càng ngắn. Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

   Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân cần xử trí khi bị động vật cắn, kể cả đã tiêm phòng dại cũng nên xử lý ngay. Rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút dưới vòi nước sạch với nước xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn. Theo dõi con vật, nếu sau 15 ngày con vật vẫn bình thường thì không phải bệnh dại. “Về cách phòng tránh, phải lưu ý cần tiêm ngừa dại cho động vật nuôi đầy đủ, khi bị động vật cắn, cào xước thì chúng ta phải đi tiêm ngừa dại càng sớm càng tốt và đúng cách. Lưu ý là trong vấn đề tiêm ngừa dại là phải tiêm ngừa đúng cách, đúng lịch nếu chúng ta không tiêm ngừa dại đúng cách đúng lịch thì sau này chúng ta củng có thể bị bệnh dại. Có những trường hợp bị chó, mèo cắn nhưng 2 năm sau mới bùng phát bệnh dại, cho nên phải lưu ý là điều quan trọng là khi tiêm ngừa dại là phải tiêm đúng cách và đúng lịch mới đảm bảo an toàn. Khi đã có dấu hiệu triệu chứng của bệnh dại thì coi như chắc chắn 99,9% tử vong”. Bác sĩ CKII Nguyễn Phước Hải, Giám đốc Trung tâm y tế thị xã cho biết.

   Với mục tiêu tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống bệnh dại, thực hiện tốt các biện pháp phòng dại, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế. Đối với người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại. Đặc biệt, người bị chó, mèo cắn tuyệt đối không được điều trị bằng biện pháp dân gian (lấy nọc), cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị phù hợp, tránh tình trạng tử vong do bệnh dại./.

 

 

 

Bài, ảnh Hạnh Phúc

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .