Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Xây dựng đời sống Văn hóa - Đô thị văn minh

Nét văn hóa bộ môn nghệ thuật múa lân sư rồng vùng biên Vĩnh Xương

Ngày đăng : 12/09/2023
Tác giả : Thanh Thúy – Lê Kiều
Xem với cở chữ : T T T
Múa lân sư rồng luôn là hoạt động được đông đảo người dân chào đón, từ trẻ thơ đến người già, háo hức chuẩn bị những phong bì màu đỏ chờ đoàn lân đến múa chúc tết, mong cầu sự khởi đầu thịnh vượng hay phát tài phát lộc trong những ngày khai trương. Ngày nay, hoạt động ấy vẫn được người dân vùng biên giới Vĩnh Xương gìn giữ, yêu thích với những màn múa lân, sư, rồng ấn tượng, rực rỡ sắc màu, trở thành nét văn hóa nghệ thuật nơi vùng biên.

                   

   Đến với buổi tập luyện của hơn 60 thành viên đoàn lân Hồng Phát Đường tại xã biên giới Vĩnh Xương, chuẩn bị cho Tết Trung Thu vào những ngày cao điểm, phần nào thấy được đằng sau những chú lân vui nhộn, rộn ràng, tràn đầy sức sống kia, là cả một quá trình tập luyện gian khổ, các bài biểu diễn đòi hỏi kỹ thuật, độ chính xác cao trên giàn cột. Đoàn lân khoảng 30 - 40 người tham gia thường xuyên, vào dịp hè hoặc lễ Tết sẽ được huy động khoảng 50 – 60 người do phần lớn các thành viên tham gia là thanh thiếu niên, trẻ em nên mùa hè các em sẽ tập trung đông đủ hơn. Ngoài ra, các thành viên trong đoàn cũng rất đa dạng về ngành nghề, độ tuổi. Có người làm thuê, phụ hồ…dù phải lo cuộc sống và việc học nhưng các thành viên vẫn háo hức, cố gắng dành thời gian luyện tập cùng đội. Anh Võ Đờ Que, Đội Trưởng Đoàn Lân Hồng Phát Đường xã Vĩnh Xương, cho biết: “Mình thấy lân sư rồng lành mạnh, để cho mấy bé học hỏi kinh nghiệm biểu diễn để phục vụ cho bà con ở địa phương, cho mấy bé có sự đam mê, đầu tư cho các em có sân chơi lành mạnh. Mình thành lập đoàn hơn 03 năm, kiên trì Đội lân ngày càng được mạnh lên khoảng 02 năm trở lại đây, kinh phí mình đầu tư vào Đội tổng cả trăm triệu rồi. Nói chung là đầu tư vô cho cái đoàn cho mấy bé để cho nó chơi cho cái lành mạnh hơn, tránh xa các tệ nạn xã hội, đồng thời thu mấy bé vô cũng tạo cho các bé có việc làm như làm những dụng cụ cho đoàn lân, giúp em có thu nhập hàng ngày”.

                   

   Đội múa lân sư rồng xã Vĩnh Xương được thành lập đã 15 năm, lúc đầu chỉ là Đội lân của ấp có khoảng 15 đến 20 thành viên tham gia, chỉ hoạt động phục vụ vào các dịp lễ cúng Đình trên địa bàn. Xuất phát từ mong muốn được xem biểu diễn múa lân thường xuyên vào mỗi dịp lễ, tết trong năm, đặc biệt là tết Trung thu cổ truyền. Với niềm đam mê bộ môn nghệ thuật, anh Võ Đờ Que đã dần phát triển và thu hút nhiều thành viên tham gia vào Đội, đến năm 2021, Đội múa lân được đặt tên Hồng Phát Đường.

                   

   Thời gian đầu thành lập nhiều khó khăn nhưng từ nhiệt huyết và đam mê của các thành viên, đến nay Đội lân đã ngày càng khẳng định được uy tín và lan tỏa bộ môn nghệ thuật khắp địa phương và các tỉnh lân cận. Đoàn lân sư rồng Hồng Phát Đường không chỉ hoạt động phục vụ các dịp lễ, tết như trước kia mà hiện nay Đoàn còn phục vụ cho người dân tổ chức các đám tiệc, khai trương và khi có nhu cầu đoàn sẵn sàng phục vụ. Theo quan niệm dân gian lân, sư, rồng là những linh vật may mắn, mang phúc - lộc - tài, nên người dân hay chủ các cơ sở kinh doanh sẽ thường mời đoàn đến phục vụ để đem lại mai mắn cho cửa tiệm làm ăn hồng phát, những nơi liên hoan, lễ hội đến phục vụ khai trương, xông đất, động thổ… mang lại niềm vui, đại diện cho những mong ước của sự thịnh vượng, như ý.

                   

   Thông thường, một bài múa được tập luyện qua 4 - 5 tháng mới đi biểu diễn nên đa phần các thành viên đều đã nhuần nhuyễn mọi động tác, nhịp điệu, tuy nhiên, vẫn luôn thường trực những tình huống bất ngờ xảy ra nên cần đến sự phối hợp nhịp nhàng cũng như tinh thần gắn kết. Em Trần Thanh Tùng, thành viên của Đội múa lân Hồng Phát Đường, bày tỏ: “Em tham gia bộ môn lân, sư, rồng Hồng Phát Đường này cũng được 2 năm rồi, nói chung là bộ môn này cũng gắn bó được tình anh em, với lại cũng là ngôi nhà thứ hai cho anh em mình, cái thứ nhất là sân chơi cho những bạn trẻ, những niềm vui, nói chung là Đoàn của em đi gắn bó với nhau anh em rất là gọi là hợp nhau, cố gắng tập luyện, phấn đấu để cho Đoàn phát triển và sẽ cố gắng múa phục vụ cho bà con trong thị xã này thật là hay”.

   Ngoài múa lân, Đoàn còn phát triển thêm nghệ thuật múa rồng. Múa rồng phải có nhiều người tham dự, việc luyện tập múa cũng rất công phu. Nét đặc biệt của múa rồng là phải dịu dàng di chuyển bộ pháp phải đồng bộ cho đầu và đuôi rồng tương hợp với nhau, uốn khúc phóng đi hay đảo lại nhịp nhàng uyển chuyển.  Đoàn múa lân sư rồng Hồng Phát Đường, ngoài phục vụ lễ, Tết đoàn thường xuyên tham gia thi đấu, biểu diễn với các huyện, thị lân cận để so tài với nhau. Các đội lân có thể biểu diễn kết hợp giữa múa lân, với múa sư, hoặc múa lân với múa rồng, hay múa kết hợp cả ba loại hình với nhau. Em Trần Quốc Việt, thành viên của Đội múa lân Hồng Phát Đường, cho hay: “Em tham gia Đoàn lân sư rồng Hồng Phát Đường hơn một năm nay, em thấy Đoàn gần địa phương em muốn đi theo chơi thể thao lành mạnh với anh em, với lại múa lân này cũng lâu đời nên em mê, nên em đi theo, bộ phận trong đoàn của em là đánh trống, bộ môn lân sư rồng này ở địa phương có lâu rồi nên em muốn đi theo để tiếp tục phát triển cho sau này”.

                   

   Hiện nay đoàn lân sư rồng Hồng Phát Đường còn hỗ trợ các thanh thiếu niên và những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em không nơi nương tựa học nghề, tạo ra các dụng cụ phục vụ cho môn nghệ thuật như: thiết kế đầu lân, rồng, trang phục…ngoài phục vụ nhu cầu tập luyện, biểu diễn của đoàn, các sản phẩm làm ra còn bán cho các Đoàn lân từ các địa phương khác, giúp các em có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

                   

   Hình ảnh đoàn lân với tiếng trống rộn ràng của đoàn lân Hồng Phát Đường xã Vĩnh Xương đã rất quen với tất cả người dân quê hương biên giới. Đặc biệt vào dịp Tết Trung thu, lồng đèn ngập tràn sắc màu, nên cứ vào dịp Tết Trung thu nơi đâu vang lên tiếng trống, chập chõa, tiếng hò reo của trẻ em là nơi đó sẽ có những chú lân sư rồng tưng bừng mang lại những màn trình diễn vui vẻ. Mong rằng, đoàn lân Hồng Phát Đường ngày càng khẳng định vị thế môn nghệ thuật văn hóa truyền thống trong lòng người dân vùng biên nói riêng và người dân xứ lụa Tân Châu nói chung.

 

 

 

Thanh Thúy – Lê Kiều

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .