Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Khoa học công nghệ - CNTT

Tân Châu: Quyết tâm khôi phục và phát triển vùng nuôi cá tra giống chất lượng cao

Ngày đăng : 10/07/2019
Tác giả : Văn Phô
Xem với cở chữ : T T T

Trong những năm gần đây, lĩnh vực nuôi cá tra thương phẩm và nuôi giống gặp phải rất nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến sức mua suy giảm, cùng với đó là những mâu thuẫn trong quan hệ sản xuất đưa đến sự phát triển không bền vững của ngành. Do đó, diện tích nuôi cá tra trong thời gian qua có phần sụt giảm,... nhằm phát triển nuôi cá tra theo định hướng thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ theo hướng hiện đại hóa tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đó cũng là mục tiêu mà lãnh đạo thị xã Tân Châu đang định hướng thực hiện Quy hoạch chi tiết vùng nuôi cá tra đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thị xã Tân Châu.
Theo Phòng kinh tế thị xã Tân Châu, đến nay tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã Tân Châu là 109,75 hécta, với 243 hộ nuôi; Trong đó, nuôi giống là 84,24 hécta/164 hộ nuôi (chủ yếu là cá tra giống); Nuôi thịt là 25,51 hécta/79hộ. Số hộ nuôi có diện tích 3.000 m2 trở lên là 84 hộ/ 55 hécta (tập trung chủ yếu ở 3 xã: Vĩnh Xương, Phú Lộc và Vĩnh Hòa). Ngoài ra, địa phương đang phối hợp với Hiệp Hội thủy sản AFA đang rà soát thành lập Chi hội cá giống Tân Châu với số lượng người tham gia khoảng 20 người, diện tích khoảng 15 hécta.  
Về sản xuất giống trên địa bàn có 2 cơ sở sản xuất giống cá tra nhân tạo hoạt động không liên tục với số lượng cá bố mẹ khoảng 3.400 con (Trong đó, cơ sở giống Ba Hoàng là 2.000 con, số cá bột xuất ra khoảng 40 – 50 triệu con bột/năm; Còn lại 1.400 con của Công ty Việt Úc). Ngoài ra, trên địa bàn thị xã cũng có vùng nuôi tập trung ở cồn Vĩnh Hòa, với tổng diện tích khoảng 280 hécta, trong đó đã giao doanh nghiệp 182 hécta. 
Hiện nay, vùng nuôi Công ty Việt Úc (cồn Vĩnh Hòa) chủ yếu là sản xuất giống cá tra với tổng diện tích 100 hécta. Hiện trạng đang nuôi cá tra sinh sản với  tổng diện tích đang nuôi là 2 hécta/2 ao. Trong đó, cá sinh sản là 400 con, trọng lượng 8-10kg/con, số lượng cá bột xuất ra khoảng 10 triệu con bột/năm. Cá hậu bị bắt từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, với 1.000 con (với 650con cái và 350 con đực). Hiện Công ty đang đầu tư hệ thống ương cá tra trong nhà màng, đã xây dựng 9 nhà màng (120m3/1 nhà màng), 3 trại sản xuất sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Ông Võ Minh Khôi, Phó Giám đốc kỹ thuật – Công ty Việt Úc cho biết: “Về quy trình sản xuất cá tra giống của công ty là đi lại vấn đề từ con cá bố mẹ, chọn lọc để tạo được con cá bố mẹ chất lượng tốt nhất, theo 3 tiêu chí quan trọng đó là “tăng trưởng nhanh, chất lượng tốt, chống chịu tốt với môi trường”, từ con cá bố mẹ mới xuất ra được con cá bột, cá bột công ty sẽ ương trong những nhà màng, được bao phủ hết những màng kính, để hạn chế thiên địch, địch hại, kiểm soát tốt môi trường đầu vào, nhằm tạo ra con giống chất lượng tốt nhất”. 
Hiện tại, thị xã Tân Châu đang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch chi tiết vùng nuôi cá tra đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thị xã Tân Châu. Trong đó, quy hoạch vùng sản xuất và ương dưỡng giống cá tra tập trung, dự kiến phát triển diện tích mặt nước nuôi đến năm 2020 là 120 hécta, tập trung chủ yếu ở 3 xã Phú Lộc, Vĩnh Xương và Vĩnh Hòa. Bên cạnh, thị xã còn phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang tổ chức thực hiện Đề án giống cá tra 3 cấp của UBND tỉnh, cụ thể: (cấp 1 là các Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II làm công tác tuyển chọn cá bố mẹ hàng năm cung cấp cho cấp 2 là các Trung tâm Giống Thủy sản và các cơ sở đủ điều kiện làm công tác sản xuất cá tra bột và cấp 3 là các cơ sở, vùng ương giống tập trung). Bước đầu thị xã đang rà soát diện tích nuôi cá tra giống trên địa bàn, xây dựng quy hoạch vùng ương dưỡng giống cá tra tập trung và thành lập chi hội sản xuất cá tra giống. 
Trong chuyến khảo sát tại thị xã Tân Châu ngày 16-11-2017 vừa qua, nói về lợi ích của việc tham gia Đề án giống cá tra 3 cấp, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Khi ban hành đề án này, để đảm bảo cho đề án thực hiện tốt, thì Chính phủ, Bộ Nông nghiệp đã ban hành kèm theo thể chế. Có nghĩa từ nay về sau việc sản xất giống cá tra mà gọi là nhãn mác chất lượng cao nằm trong đề án này là xem như ngành kinh doanh có điều kiện; bởi lẽ con giống là khâu hết sức quan trọng trong chuổi từ nuôi trồng cho đến chế biến và xuất khẩu, mà thực tế hiện nay là tình trạng giống cá tra trôi nổi, mình để cho nó mai một đến lúc bị cận huyết, bị suy thoái. Thì bây giờ trách nhiệm của Nhà nước là phải vào cuộc và tất cả từ con cấp 1, cấp 2, cấp 3 đều phải là xem như ngành kinh doanh có điều kiện.    
Với mục tiêu phấn đấu phát triển và ổn định diện tích mặt nước nuôi cá tra thương phẩm vào năm 2020 là khoảng 50 hécta, tăng lên 80 hécta vào năm 2030; ương nuôi giống là 120 hécta, tăng lên 160 hécta vào năm 2030. Trong đó, phát huy lợi thế tiềm năng của thị xã, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thị xã, phù hợp với Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Tổng sản lượng cá tra nuôi đến năm 2020 đạt 15.000 tấn, năm 2030 đạt  24.000 tấn. Thu hút một lực lượng lao động nuôi cá tra đạt 200 lao động đến năm 2020 và con số này năm 2030 là khoảng 320 người.   
Cụ thể là quy hoạch vùng nuôi cá tra thương phẩm ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, về quy cỡ sản phẩm, về an toàn chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vùng sản xuất cá tra thương phẩm đáp ứng được nhu cầu về chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh An Giang gắn kết với khâu sản xuất giống và chế biến tiêu thụ trong chuỗi giá trị sản phẩm cá tra. 
Các vùng nuôi cá tra của Thị xã Tân Châu chủ yếu là tập trung dọc sông Tiền và các cồn trên sông Tiền nên nguồn nước cấp cho ao nuôi rất dồi dào và thuận tiện. Tuy nhiên, có một số khu nuôi nằm trong nội đồng, do vậy cần thiết lập hệ thống cấp và thoát nước tập trung và có kênh xử lý nước thải riêng biệt để đảm bảo nguồn nước cấp tốt cho vùng nuôi, đồng thời hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và nguồn nước cấp cho các vùng sản xuất lân cận. Cho biết về giải pháp ưu tiên quy hoạch phát triển cá tra giống cho Tân Châu, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói: “Để chuẩn bị cho Tân Châu tham gia vào Đề án cá tra 3 cấp, tỉnh sẽ giao cho ủy ban thị xã Tân Châu xem xét chọn vùng nuôi từ 100 hécta trở trên, khi tham gia vào đề án thì ủy ban sẽ giao cho Sở Nông nghiệp thẩm định lại quy hoạch và có đề xuất với tỉnh để đầu tư gồm: đường, điện, nguồn nước sạch và gắn luôn với bao tiêu sản phẩm. Thứ 2, đối với các hộ không có nằm trong vùng dự án, đề nghị Chi hội AFA tăng cường hỗ trợ cho các hộ này, nếu được thì tham gia chung Chi hội AFA để sắp tới họ sẽ được nhận con cá giống chất lượng và đầu ra. Thứ ba là đối với cồn Vĩnh Hòa, tỉnh đề nghị giao UBND thị xã lập phương án sử dụng đất, theo hướng đây là vùng sản xuất giống chất lượng cao; sắp tới đây là sẽ hỗ trợ cho Việt Úc để đi lên thành khu công nghệ cao đủ 100 héc ta, như vậy sẽ được sự hỗ trợ của Chính phủ”. 
Ngoài điều kiện trên, hiện tại thị xã đang xây dựng tổ chức lại sản xuất cho chuỗi sản xuất giống cá tra với trách nhiệm pháp lý của các thành phần tham gia trong chuỗi đảm bảo quá trình sản xuất từ đàn cá bố mẹ đến khâu sản xuất cá bột và sản xuất giống đến tiêu thụ sản phẩm đều được truy xuất nguồn gốc, được kiểm soát và vận hành theo chuỗi liên kết. Sớm quy hoạch lại vùng ương giống tập trung; Trong sản xuất giống, hàng năm phải ưu tiên nghiên cứu khoa học nâng cao chất lượng con giống nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, phục vụ phát triển ngành thủy sản. Tổ chức thành lập các chi hội, tổ hợp tác, hợp tác xã hay một hình thức liên kết (hợp tác) giữa các hộ nuôi nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và chung tay bảo vệ môi trường, góp phần hỗ trợ công tác quản lý nhà nước đối với nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Xây dựng các vùng nuôi an toàn, tập trung, đảm bảo chế độ cấp thoát nước riêng biệt, nghiên cứu các quy trình nuôi theo quy chuẩn thực hành nuôi tốt như VietGAP,… Tổ chức đào tạo huấn luyện nuôi an toàn và chất lượng, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn cho các hộ nuôi.  Phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ kiểm soát ô nhiễm, cảnh báo môi trường, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh cho các vùng sản xuất cá tra. 
Là thị xã đầu nguồn, nên nguồn nước dồi dào và chất lượng tốt, đây là điều kiện rất thuận lợi cho nuôi cá tra. Bên cạnh đó, tiềm năng diện tích đất phục vụ nuôi cá tra còn rất lớn, nếu thị trường thuận lợi, việc mở rộng quy mô sản xuất khá dễ dàng. Đây là lợi thế của địa phương, để khôi phục và phát triển nghề nuôi cá tra thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, theo hướng tập trung, được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đảm bảo hiệu quả và bền vững, góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .