Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Nét hương quê lụa

Tân Châu: Miếu Ông Tà - Nét văn hóa tín ngưỡng dân gian

Ngày đăng : 10/07/2023
Tác giả : Huyền Thoại- Minh Luân
Xem với cở chữ : T T T
Không biết tự bao giờ, tục thờ Ông Tà đã hiện hữu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ. Ông Tà được bà con người dân xem đây là vị thần quan trọng trong việc quản lý thôn xóm, bảo vệ mùa màng, nhà nhà ấm no hạnh phúc…

                   

   Về xã Tân An, thị xã Tân Châu, chúng ta dễ dàng nhìn thấy ngôi Miếu Ông Tà rộng rãi, khang trang cách Tỉnh lộ 952 khoảng 20m. Thuở ban đầu chỉ xây dựng bằng gỗ vị trí chếch lên trên miếu hiện hữu hơn 20m. Chú Phạm Hữu Phước, Trưởng Ban quản lý Miếu Ông Tà, xã Tân An chia sẻ: “Từ khi tôi biết đến giờ, coi như đây là một vấn đề tín ngưỡng dân gian, trong cuộc sống của người dân, trong quá trình khai hoang lập ấp, người ta làm ăn thế nào đó, người ta suy nghĩ đến Ông Tà, nhất là làm nông, khi làm ruộng người ta cũng vái Ông Tà để cho mùa vụ được thuận lợi, tránh được các loại côn trùng phá hoại, cho nên từ trước tới giờ mình cũng biết như vậy, bà con cũng tin tưởng theo đến đây lễ bái thôi”.

                   

   Đến năm 2017, ngôi miếu được trùng tu, nâng cấp với 02 nóc, cột bê tông, nền lót gạch bông, diện tích 36m2 phần Miếu chính. Trong tâm thức tín ngưỡng người Việt, Ông Tà không có hình hài cụ thể như Thành Hoàng, Ông Địa. Ông Tà chỉ có phần hồn, những hòn đá tròn, hoặc bầu dục – nhẵn to (hoặc vừa) mang tính tượng trưng cho cốt thờ Ông. Tại Miếu Ông Tà xã Tân An trên bàn thờ, thờ 04 hòn đá, trên mỗi hòn có trùm, cột chiếc khăn màu đỏ, vì màu đỏ trong quan niệm dân gian tượng trưng cho sự thịnh vượng, điều may, việc tốt đẹp…. Còn theo triết lý “âm – dương” – màu đỏ tượng trưng cho sự mạnh mẽ, tốt đẹp là dương, còn Ông Tà màu đen, xám, sống cùng đồng ruộng tượng trưng cho đất là âm, nên khi thờ cúng như vậy có nghĩa là âm dương hài hòa. Ngoài ra, trên bàn thờ còn có 02 câu đối “Kính như tại kính thần thổ công độ thôn xóm bình an. Kính như tại kính thần mong độ mùa màng đặng thu nhiều”. “Theo thông lệ từ trước đến nay, Ban quản lý trên cơ sở là giữ nguyên truyền thống từ trước, cho nên những người đi trước người ta tổ chức cúng, sau này mình vẫn cúng theo như vậy, cúng Ông Tà có phần nghi thức khác với cúng Đình, Miếu là phần tắm Ông Tà. Vào khoảng 15 giờ, ngày 12/8, Tập thể Ban quản lý cùng bà con dâng hương cúng Ông Tà, xin phép thực hiện nghi thức tắm Ông, lột bỏ khăn cũ, tiến hành tắm Ông bằng rượu, tắm Ông xong đưa lên bệ thờ và tiến hành đội khăn mới”- chú Phạm Hữu Phước cho biết.

                   

                   

                   

   Theo thông lệ hàng năm, vào ngày 13/08 âm lịch là ngày cúng Ông Tà và khoảng 10 năm trở lại đây, Ban quản lý Miếu còn tổ chức cúng tất niên vào ngày 18 tháng Chạp, được xem như cúng vào dịp năm mới để cầu mong Quốc thới Dân An, mùa màng bội thu, mừng năm mới ấm no hạnh phúc khắp mọi nhà. Mỗi năm vào ngày cúng Ông Tà, không chỉ bà con người dân ở xã Tân An mà ở các xã lân cận như Tân Thạnh, Long An… cũng hội tụ về Miếu. Chú Phạm Hữu Phước cho hay: “Vấn đề nguyện cầu  chủ yếu nguyện cầu  Quốc thới Dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc, cầu nguyện chung cho bà con bá tánh vậy thôi. Còn về vấn đề vật phẩm cúng bắt buộc trong lệ cúng phải có, một là cái đầu heo, gà hoặc vịt luộc, nấu cháo, cá lóc nướng, cua, ốc, chuột, đó là những vật phẩm không thể thiếu được trong ngày cúng lễ Ông Tà”.

   Bên cạnh gắn liền cùng Miếu Ông Tà còn có Rạch Ông Tà, một con rạch thiên nhiên đã được hình thành từ rất lâu. Từ thuở xa xưa, con rạch là nguồn nước tưới tiêu phục vụ cho bà con trong vùng. Chú Phạm Hữu Phước cho biết thêm: “Chỉ biết là khi tôi lớn lên, ở đây có Rạch Ông Tà, Miễu Ông Tà, chớ còn hình thành từ lúc nào tôi cũng chả biết, nhưng mà cái Rạch này nó trước kia thuộc về Rạch thiên nhiên, rất lớn, bề ngang dài, tính hiện hữu tại con đường này đổ vô đồng, theo bản đồ cũ để lại là phải từ trên 01 cây số, rồi do điều kiện bồi lắng rồi bà con người ta canh tác không còn nhiều, chứ trước kia là như vậy đó, ở đây là một cái lòng rạch, nhưng chảy vô trong kia, nó chia ra 2 nhánh, một nhánh đi lên biên giới, 1 nhánh đi xuống kênh Xáng, từ 01 cây đến 01 cây số rưỡi vậy đó, nhưng hiện nay không còn hiện trạng cũ nữa”.

                   

   Với không gian vừa trang nghiêm, vừa rộng rãi, Miếu Ông Tà, xã Tân An không chỉ là nơi bà con nhân dân đến cúng viếng với niềm tín ngưỡng dân gian, mà Miếu còn là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. “Cũng như thấy mặt bằng này rộng rãi, địa thế tốt, cho nên đây cũng là điểm sinh hoạt văn hóa của ấp, theo tôi đứng về mặt góc độ của Ban quản lý đó, Miễu này được sự ủng hộ của bà con ở trong địa phương, cũng như ở ngoài địa phương, cho nên từ đó đến nay đã trùng tu nhiều đợt, hiện tại được như thế này, nhưng mà mong muốn của bà con cũng chưa có phải là dừng ở chỗ này nữa, mà dự kiến là mở rộng thêm 02 bên chút đỉnh nữa, để khi ngày cúng cho rộng rãi, rồi làm mái che thêm sân trước, cho nên đó là những cái gặp khó khăn về vấn đề kinh phí, cho nên nếu được các cấp chính quyền có hỗ trợ được làm những công trình phụ thêm đó, tốt cho Miếu, cũng đáp ứng được nhu cầu tâm linh của bà con thôi”- Chú Phạm Hữu Phước cho biết thêm.

   Đã bao đời nay, việc thờ cúng Ông Tà đã ăn sâu vào tâm thức, quan niệm của người dân, và đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần và Miếu Ông Tà, xã Tân An sẽ là một điểm đến của khách thập phương khi muốn tìm hiểu về nét văn hóa tín ngưỡng dân gian thờ cúng Ông Tà.

 

 

 

Huyền Thoại-  Minh Luân

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .