Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Nét hương quê lụa

Giồng Trà Dên xưa và nay

Ngày đăng : 20/04/2024
Tác giả : Thuý Hằng
Xem với cở chữ : T T T
Dẫu từng là căn cứ khóc liệt, bị tàn phá bởi 02 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ nhưng hôm nay Giồng Trà Dên, xã Tân Thạnh – TX. Tân Châu đã vững trãi đi lên, với chiếc áo mới đầy sắc màu rực rỡ.

                   

   Được gặp và trò chuyện cùng chú Trần Minh Gom, xã Tân Thạnh là người tham gia lực lượng du kích mật ở địa phương khi tuổi đời chỉ vừa độ thiếu niên, chú Gom cho biết: Giồng Trà Dên ngày xưa là căn cứ địa cách mạng nơi hoạt động của Huyện ủy Tân Châu cũng như của chi bộ xã Tân An, là nơi dừng chân, chiến đấu của các lực lượng vũ trang địa phương, Trung ương. Giồng Trà Dên trong lịch sử là nỗi ám ảnh của giặc. Mảnh đất này ngày xưa là rừng tre rậm rạp được xây dựng thành nhiều chiến hào, bãi chông, ô chiến đấu, hàng rào tứ địa,… và nhiều trận địa chống giặc đầy sáng tạo của quân dân nơi đây. Quay lại lịch sử hai cuộc kháng chiến chỗng Pháp và Mỹ, Giồng Trà Dên đã ghi dấu những chiến công oanh liệt. Nơi đây từng diễn ra 51 trận đánh, loại 500 tên giặc, diệt 2 tiểu đoàn, 3 đại đội, 3 đồn bốt của giặc. Tết Mậu Thân năm 1968, trận Giồng Trà Dên chứng kiến sự chiến đấu anh dũng của quân và dân Tân Châu.

   Khi chiến tranh đi qua, căn cứ cách mạng Giồng Trà Dên vốn chạy dài gần chục cây số nay không còn nữa, mà thay vào đó là một cánh đồng do người dân khai khẩn để làm lúa. Khu di tích này nay được xây nhà lưu niệm và bia cùng chùa Núi Nổi.

                   

   Chú Trần Minh Gom còn cho biết, chính quyền địa phương các xã Tân An, Tân Thạnh luôn khắc ghi truyền thống của cha ông, hằng năm vào các dịp Lễ kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ hay Lễ 30/4, luôn tổ chức thành đoàn đến viếng bia tưởng niệm, thăm hỏi, tặng quà gia đình có công với cách mạng ở địa phương. Ngoài căn cứ cách mạng Giồng Trà Dên, xã Tân Thạnh còn có Phù Sơn Tự, giữa 820 hecta đất ruộng cánh đồng của xã, có một gò đất diện tích khoảng 1 hecta nhô cao độ chừng 10m. Người dân nơi đây trước giờ vẫn gọi là Núi Nổi. Phù Sơn Tự được hình thành giữa gò đất ấy từ hơn một trăm năm trước, nơi đây khi xưa với địa thế hiểm trở, từng là căn cứ địa cách mạng liên hoàn với Giồng Trà Dên - Rạch Rít. Xung quanh Núi Nổi là đồng ruộng mênh mông, có nhiều thú hoang, cỏ dại, là địa thế tốt cho những bậc sĩ phu yêu nước lánh nạn chờ thời cơ khởi nghĩa. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, nơi đây là căn cứ của cách mạng, nơi trú ẩn an toàn của các tổ chức Đảng từ huyện, tỉnh, đến Trung ương.

                   

   Riêng chi bộ Đảng xã Tân An và một số xã chung quanh, và lực lượng du kích địa phương gần như thường trực nơi này. Phù Sơn Tự đã được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 2001.

                   

                   

   Hiện nay, Phù Sơn Tự (Chùa Núi Nổi) được xây dựng thêm các hạng mục Chánh điện, nhà Tổ, nhà Tăng, nhà Ni, tượng Quan âm cao 22m, Phật Di đà cao 42m, cổng Tam quan. Đây là điểm nhấn tâm linh, thu hút du khách thập phương đến đây tham quan, chiêm bái.

                   

   Hiện xã Tân Thạnh có tổng diện tích tự nhiên là gần 1.229 hecta, trong đó diện tích nông nghiệp trên 1.082 hecta. Xã có 06 ấp, trên 1.800 hộ dân. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông, bên cạnh đó là nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và dịch vụ thương mại, kinh doanh nhỏ lẻ. Chỉ tính riêng trong năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt trên 2.300 hecta, trong đó lúa trên 1.700 hecta, màu 600 hecta; năng suất lúa bình quân 6,9 tấn/hecta. Nông dân trên địa bàn áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, chiếm 98% diện tích xuống giống và 98% sử dụng giống lúa chất lượng cao. Đồng thời, nông dân còn đẩy mạnh áp dụng công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm. Các mô hình trong sản xuất trồng trọt – chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được nhân dân quan tâm thực hiện, với nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, điển hình là mô hình “Sản xuất vườn cây trái”, ứng dụng công nghệ cao gắn hệ thống tưới phun sương, mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi dê, nuôi thỏ, theo hướng an toàn sinh học, mô hình nuôi lươn mật độ cao,... đã đóng góp tích cực vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã. Chú Trần Minh Gom, phấn khởi nói: “Nhân dân của Giồng Trà Dên cũng phấn đấu vươn lên, vượt qua những khó khăn thách thức, làm sao vừa khắc phục sau chiến tranh vừa phát triển kinh tế. Đời sống của bà con nông dân hiện nay nông nghiệp là cơ bản, vườn cây ăn trái nói chung đa dạng chuyển sang loại cây ăn trái tương đối nhiều, kinh tế tương đối dồi dào, đạt hiệu quả rất cao so với trước đây”.

                   

   Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đang được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ theo hướng kết nối thông suốt nhằm phục vụ phát triển kinh tế của địa phương, nhiều công trình trọng điểm đã triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng, cụ thể địa phương đã vận động nâng cấp, mở rộng tuyến lộ nông thôn ấp Hòa Tân – Hòa Thạnh và lộ Xép Cỏ Găng, với chiều dài trên 5km, giao thông nội đồng của xã được nhân dân tích cực tham gia tu sửa, rãi đá tuyến đường ấp Tân Phú, tập đoàn 9, đường cộ Núi Nổi, đường thét Rạch Bà Cả, với chiều dài trên 02 km, nâng cấp cầu ấp Tân Đông và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng khắp trên các tuyến đường từ trục lộ chính đến lộ nông thôn, tổng kinh phí thực hiện trên 10 tỷ đồng, theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng trên 200 ngày công lao động, tạo sự thông thoáng trong lưu thông đi lại, vận chuyển hàng hóa. Giờ đây người dân sản xuất vùng Bào Óc Láng Dợp rất phấn khởi, không còn phải lo cảnh cống sạt lở, cầu xiêu vẹo hay đường đi ổ gà, ổ voi nữa, mà thay vào đó là hạ tầng xây dựng kiên cố, cầu gỗ được thay bằng bê tong vững chắc, những con đường thẳng tắp được nâng cấp rãi đá, tạo điều kiện cho bà con lưu thông dễ dàng. “Bây giờ có kênh do Nhà nước múc lên bởi vậy nước tưới tiêu cũng tiện lắm, điện cũng kéo tới chỗ hết luôn. Chạy xe cũng rất thuận tiện, vận chuyển nông sản rất dễ dàng, nói chung bây giờ thuận tiện bởi vậy mình mần nhiều được”- anh Trần Văn Tấn, ấp Giồng Trà Dên – xã Tân Thạnh, vui vẻ nói.

                   

   Nếu có dịp về vùng đất Tân Châu, bạn hãy dành chút thời gian một lần đến Giồng Trà Dên, thắp nén nhang thơm lên bia ở nhà lưu niệm, để thêm lòng biết ơn sự hy sinh của các thế hệ trước, được dịp nghe và biết về nhiều con người nhân hậu với lòng yêu nước đậm sâu. Nhìn ra cánh đồng nơi từng là chiến trường khốc liệt, nay trải dài phủ màu tươi tốt và đượm nét đẹp rất hiền hòa, bạn sẽ cảm thấy yêu thương hơn vùng đất này, vùng đất trù phú của hôm nay, thấm bao nước mắt, máu và những gian khổ mà anh hùng của quân và dân Giồng Trà Dên ngày xưa./.

 

 

 

Thuý Hằng 

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .