Anh Nguyễn Văn Nhừng chia sẻ, anh được người quen hướng dẫn, với niềm đam mê làm nông vốn có, anh chọn trồng nấm bào ngư xám, vừa phù hợp sức khỏe, vừa có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Tận dụng diện tích vườn nhà, anh Nhừng cải tạo lại nền nhà để trồng nấm. Đợt đầu, trồng một ít để thử nghiệm 2.000 phôi, hiệu quả mang lại khả quan và hiện tại anh đang thu hoạch nấm đợt 2. Anh Nguyễn Văn Nhừng, chia sẻ: “Nhờ ông anh ổng chỉ rồi mình mới học hỏi làm theo, này nấm sạch hổng xịt gì luôn đem về treo dầy xử lý ra, mình đem về treo phôi này cở 60 ngày mình mới xử lý cho nó ra, 1 phôi mình ăn cở khoảng tầm 5, 6 đợt, mở nắp đón nắng mình vệ sinh, 1 tháng mình cho ra 2 đợt, mình coi tơ nó chạy đều thì mình mở nắp 3 ngày sau nó ra, kỹ thuật do mình khi nó ra mình che chắn gió lợi được hà”.
Qua hơn 1 năm sản xuất và tích lũy kinh nghiệm, hiện tại anh Nhừng đã có trại nấm, diện tích khoảng 70m2, với 5.000 phôi nấm. Dẫn chúng tôi tham quan nhà nấm, anh cho biết: Nhà trồng nấm phải thông thoáng, ánh sáng phù hợp và giữ độ ẩm tốt. Trụ treo bịch phải đủ vững để chịu sức nặng của các bịch phôi. Nền nhà giữ ẩm, nhưng cần rắc vôi để tẩy trùng, diệt vi khuẩn. Một trong những yếu tố quan trọng đối với nấm đó là độ ẩm, do vậy lúc nào môi trường trồng nấm phải đạt ở mức 80% độ ẩm. Phôi nấm sau khi đem về để lên meo khoảng 2 tháng, mở bông gòn ra rồi đậy nắp lại khoảng 10 ngày, sau đó mở nắp ra. Người trồng cần tưới nước để nấm dễ mọc (tưới từ 1-2 lần/ ngày). Khi thấy xung quanh nút chai có sợi tơ thì tháo nút, khoảng 6 ngày sau, nấm bắt đầu mọc ra, tùy theo kích cỡ mà tiến hành thu hoạch. Thu hoạch nấm xong thì vệ sinh nút phôi cho sạch sẽ, rồi đậy nắp phôi lại, tiếp tục tưới nước, theo dõi phôi nấm, để thu hoạch lứa tiếp theo. Thời gian thu hoạch nấm bào ngư kéo dài 3 tháng, với 5 - 6 lần thu hoạch. Hiện nay, nấm bào ngư có giá bán lẻ từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, còn giao thương lái giá 40.000 - 45.000 đồng/kg.
Mặc dù, trồng nấm đạt năng suất, được giá, nhưng đầu ra còn hạn chế nên nông dân còn lo ngại trong sản xuất. Mô hình trồng nấm bào ngư là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân, giải quyết được nhu cầu việc làm đối với lao động không có đất sản xuất, nhờ tận dụng khoảng trống quanh nhà. Hiện, anh Nguyễn Văn Nhừng mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình trồng nấm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, mới thực sự đem lại hiệu quả. “Hết đợt này anh cũng trồng tiếp, nếu đầu ra nó ổn định thì bà con nông dân làm cái này thấy cũng được, anh thấy làm có lợi nhuận, mình cũng cần nhà nước có chương trình dạy kỹ thuật đặng mình làm nhân ra thêm ra số lượng cho nó lớn, nếu được nhà nước hỗ trợ tiếp đồng vốn thì mình mở rộng mô hình ra nữa, quan tâm hỗ trợ đầu ra cho nông dân nó đỡ cuộc sống mình” - Anh Nguyễn Văn Nhừng, mong muốn.
Việc trồng nấm bàu ngư xám của anh Nguyễn Văn Nhừng, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao, chi phí đầu tư thấp mà năng suất, chất lượng khá cao, tín hiệu vui cho bà con nông dân ít đất sản xuất, tuy nhiên cần có thương hiệu sản phẩm, theo định hướng của ngành chức năng để có thị trường đầu ra ổn định thì mới thực sự là mô hình có triển vọng trong phát triển kinh tế của bà con nông dân./.
Bài, ảnh Thùy Trang