Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Nông nghiệp

Tân Châu: Hiệu quả thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030

Ngày đăng : 13/05/2025
Tác giả : Huyền Thoại
Xem với cở chữ : T T T
Thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 nhằm hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và kết hợp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi liên kết ổn định trên cơ sở phát triển các tổ chức nông dân đóng góp quan trọng vào chuỗi liên kết lúa gạo trên địa bàn thị xã, từ đó, tăng dần tỷ lệ sản xuất có liên kết tiêu thụ qua từng năm thực hiện. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo điển hình, làm mô hình kiểu mẫu cho phát triển lĩnh vực lúa gạo trên địa bàn thị xã đến năm 2030.

   Vừa qua, Trạm Trồng trọt & Bảo vệ thực vật thị xã Tân Châu tổ chức hội thảo tổng kết Mô hình sản xuất lúa thương phẩm theo quy trình “1 phải 5 giảm” (Ứng dụng đồng bộ quy trình Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030) được thực hiện tại ấp Phú An A, xã Phú Vĩnh với sự tham gia của 11 hộ nông dân, diện tích 15 hecta, trồng giống lúa OM18, theo đó, vụ Đông Xuân 2024 – 2025, bà con nông dân xuống giống tập trung vào ngày 30/11/2024, mật độ lúa sạ đối với ruộng trong mô hình là 100kg/hecta, ruộng đối chứng 140kg/hecta. Khi tham gia mô hình, bà con nông dân được Ngành chuyên môn truyền đạt những chuyên đề, chia sẻ rất nhiều thông tin, kinh nghiệm như sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa, canh tác đúng kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính, giúp cho nông dân giảm giá thành sản xuất lúa, đồng thời, nắm vững hệ sinh thái trên đồng ruộng và mối tương quan giữa các thành phần trong hệ sinh thái, nắm vững sinh lý cây lúa qua từng giai đoạn, song song đó qua từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa bà con sẽ nắm rõ các đối tượng sâu bệnh, quy luật phát sinh phát triển của chúng, vai trò của rất nhiều sinh vật có ích trên đồng ruộng, chúng kiềm hãm sự phát triển của sâu hại. Để từ đó có các biện pháp bảo tồn và phát huy vai trò của thiên địch, tác động gây bất lợi cho dịch hại, giúp cây lúa phát triển khoẻ. Trên cơ sở đó, giúp bà con nông dân đầu tư thông minh hơn, giảm thiểu đến mức tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, đặc biệt nhóm thuốc trừ sâu rầy, thuốc trừ bệnh cũng giảm đáng kể so với làm theo tập quán của bà con. Từ đó giảm giá thành, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường sinh thái. Kết quả, bà con nông dân tham gia mô hình năng suất hơn 09 tấn/hecta, sau khi trừ chi phí lợi nhuận hơn 5 triệu 200 ngàn đồng so với ruộng đối chứng. Ông Tôn Hồng Tân, Trưởng trạm TT & BVTV thị xã cho biết thêm: “Trong quá trình thực hiện, kết quả đạt được trong thực hiện Mô hình sản xuất lúa thương phẩm theo quy trình “1 phải 5 giảm” đến nay cho thấy gần 100% nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ, một số nông dân có thể tự nhân giống lúa xác nhận để phục vụ cho mình và chia lại cho bà con nông dân khác; về lượng giống gieo sạ trước đây từ 250-300kg nhưng mà hiện nay lượng giống giảm xuống chỉ còn từ 100-150kg/hecta; người dân đã biết cân đối lượng phân bón theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển cây lúa từ đó giảm được lượng phân đạm bón dư thừa giúp cây lúa cứng cáp hơn và chống chịu với dịch hại tốt hơn; nông dân xác định đối tượng dịch hại và đưa ra biện pháp quản lý tốt hơn giúp giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật phun vào đồng ruộng; nông dân cũng biết tiết giảm nước và xiết nước các giai đoạn quan trọng để kích thích cho cây lúa đẻ nhánh tốt và kích thích cho nó phát triển bông, đồng thời giúp giảm phát thải khí CO2; hiện nay 100% nông dân thu hoạch lúa bằng gặt đập liên hợp và bán trực tiếp cho thương lái tại đồng, thương lái đem về nhà máy để sấy, từ đó thì cũng giúp giảm thất thoát trong khâu thu hoạch, đồng thời chất lượng hạt gạo khi xay xác tốt hơn, giúp nâng giá trị sản phẩm nông sản được lên”.

   Thực hiện mô hình đã góp phần rất lớn trong tạo điều kiện thuận lợi để bà con nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm giá thành sản xuất lúa, nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, “Để thực hiện mô hình hiệu quả, nông dân cần lưu ý một số vấn đề sau,  thứ nhất, đất phải được trang bằng phẳng, trước khi gieo sạ phải làm đất thật kỹ, đánh lại các đường thoát nước cho nó tốt và đất phải chủ động được tưới tiêu. Thứ hai, chọn giống phù hợp với vùng đất mình sản xuất, phù hợp với mùa vụ (do có một số giống lúa thì nó chỉ phù hợp cho vụ Đông Xuân, nhưng vụ Hè Thu thì không phù hợp), giống phải nảy mầm tốt. Nắm vững đặc tính phát triển, nhu cầu phân bón của giống lúa đó. Thứ ba, quản lý tốt ốc bươu vàng, chuột, dịch hại khác từ đầu vụ để hạn chế cái thiệt hại số chồi; bà con cần xử lý cỏ sớm từ đầu vụ để hạn chế sự cạnh tranh phân bón và ánh sáng từ đầu vụ. Hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu ăn lá ở đầu vụ, chỉ xử lý sâu hại khi mật số đến ngưỡng gây hại về kinh tế chúng ta. Thứ tư, bón phân cân đối theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của giống lúa mình đang sản xuất, từ đó, giúp cây lúa khỏe tăng tính chống chịu với môi trường và sâu hại. Thứ năm, cần quản lý nước thật tốt, giai đoạn sau sạ 3-5 ngày nên giữ mặt ruộng có 1 lớp nước mỏng 1-2 cm, cần có xiết nước giai đoạn đẻ nhánh và trước làm đồng đến khi mực nước xuống thấp hơn mặt đất khoảng 15 cm (bà con có thể đánh giá là khi mặt đất khi đó đã có những kẻ nứt nhỏ, người dân gọi là nứt chân chim) chúng ta thực hiện như vậy giúp giải phóng độc chất trong đất giai đoạn lúa đẻ nhánh và kích thích bông lúa cho nhiều hạt sau này. Thứ sáu, chúng ta cần rút nước trước khi thu hoạch lúa 10 đến 15 ngày để hạn chế lúa đổ ngã và thuận tiện việc thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp dễ dàng hơn”, ông Tôn Hồng Tân, Trưởng trạm TT & BVTV thị xã cho biết.

   Mục tiêu năm 2025, trên địa bàn thị xã, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp phấn đấu đạt 2.953 hecta (trên cơ sở diện tích vùng dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT) và nhân rộng ở những vùng thuận lợi. Về canh tác bền vững lượng lúa giống gieo sạ: 80 - 100 kg/hec-ta; Lượng phân bón hoá học: giảm 20%; Lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học: giảm 20%; Lượng nước tưới (so với canh tác truyền thống): giảm 20% và 100% diện tích (tương đương 100% hộ) áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và cấp mã số vùng trồng. Về tổ chức sản xuất 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với THT, HTX hoặc các tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích; Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; Trên 2.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững; 70% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống; Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%; Lượng gạo chất lượng cao và phát thải thấp xuất khẩu chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh. Ông Tôn Hồng Tân, Trưởng trạm TT & BVTV thị xã nhấn mạnh: “Điều then chốt để thực hiện hiệu quả mô hình là chúng ta phải thực hiện một số vấn đề sau, một là, có sự tham gia từ các cấp chính quyền thực hiện tổ chức thực hiện, tuyên truyền về mô hình. Quy hoạch vùng sản xuất, kiến thiết hạ tầng hệ thống nội đồng để làm sao bảo đảm theo yêu cầu của mô hình như chủ động tưới, chủ động tiêu nước,rồi hệ thống giao thông nội đồng thuận lợi. Thứ hai là bảo đảm đủ máy móc phục vụ mô hình như máy cày xới, máy gieo sạ, máy cấy, máy phun thuốc, máy thu hoạch gặt đập liên hợp,… Thứ ba là nông dân phải hiểu về lợi ích của mô hình, nông dân phải chủ động tích cực tham gia. Và đây là yếu tố quan trọng nhất, vì nông dân là người quyết định thực hiện như thế nào trên mảnh ruộng của mình”.

   Định hướng nhân rộng mô hình trong thời gian tới trên địa bàn thị xã được lập kế hoạch diện tích sản xuất theo mô hình cho từng xã phường giai đoạn năm 2025 đến năm 2030. Cụ thể là năm 2025 phát triển trên diện tích 2.953hecta, năm 2026 phát triển lên 4.170hecta, năm 2027 phát triển lên 5.360hecta, năm 2028 phát triển lên 6.550hecta, năm 2029 phát triển lên 7.740hecta, năm 2030 phát triển lên 8.977hecta. Đồng thời, từng bước tổ chức các mô hình điểm qua các vụ từ nay đến năm 2030 để bà con nông dân tham gia thực hiện và có cơ sở đánh giá hiệu quả của mô hình. Ông Tôn Hồng Tân, Trưởng trạm TT & BVTV thị xã cho biết thêm: “Trạm TT&BVTV đang cùng Phòng Nông nghiệp và Môi trường, UBND xã Lê Chánh chuẩn bị thực hiện mô hình tại xã Lê Chánh diện tích 45,35hecta với 38 nông dân tham gia, mô hình này sẽ thực hiện trong 3 vụ trên cùng diện tích đất, và chúng ta bắt đầu từ vụ Thu Đông 2025, đến vụ Hè Thu năm 2026, với mật độ gieo sạ vụ Thu Đông 2025 là 80kg giống/hecta đến vụ Hè Thu năm 2026 giảm còn 60-70kg giống/hecta. Tiếp tục cùng Phòng Nông nghiệp và Môi trường, UBND các xã phường tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về thực hiện mô hình để nông dân hiểu rõ về ý nghĩa, yêu cầu trong quá trình thực hiện mô hình. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp liên kết đầu tư máy móc, vật tư sản xuất và tiêu thụ lúa nếp cho nông dân. Bên cạnh đó, Trạm cũng tiến hành xây dựng các mã số vùng trồng lúa nếp cho diện tích thực hiện mô hình để đáp ứng truy xuất nguồn gốc lúa, nếp theo yêu cầu các nước nhập khẩu sau này”.

   Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay cùng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường và xuất khẩu, đòi hỏi bà con nông dân trồng lúa cần thay đổi tư duy canh tác truyền thống để chuyển sang canh tác quy mô lớn, ứng dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào đồng ruộng. Tin tưởng rằng với sự hỗ trợ tích cực của ngành Chuyên môn, sự chủ động tham gia của bà con nông dân và những hiệu quả về mô hình đã được đánh giá là nền tảng vững chắc để tiếp tục thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trên địa bàn thị xã trong thời gian tới, mang lại sự phát triển không chỉ về quy mô canh tác, chất lượng sản phẩm lúa gạo, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn hướng đến nâng cao đời sống của bà con nông dân canh tác lúa.

 

 

 

Huyền Thoại 

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .