Chào mừng bạn đến với Cổng Thông tin điện tử Thị xã Tân Châu - Tỉnh An Giang

Nông nghiệp

Nông dân phấn khởi trước kết quả thực hiện “Mô hình sạ lúa theo cụm” lồng ghép trong “Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”

Ngày đăng : 05/08/2022
Tác giả : Huyền Thoại
Xem với cở chữ : T T T
Hiện nay, tình hình giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng phân bón ngày càng tăng là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong sản xuất nói chung và sản xuất lúa nói riêng, bên cạnh đó tình trạng biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang tác động trực tiếp đến sản xuất và sinh kế của người nông dân.

   Nhằm giúp bà con nông dân có được những giải pháp  thích ứng với những điều kiện khó khăn trong canh tác lúa hiện nay, đồng thời tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác, Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp với Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu thực hiện “Mô hình sạ lúa theo cụm” lồng ghép trong Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vụ Hè Thu 2022 tại xã Tân An, thị xã Tân Châu đến nay đã  mang đến những kết quả tích cực.

                   

   Từ tháng 04/2022, 04 hộ nông dân ấp Tân Hậu A1, xã Tân An tham gia thực hiện mô hình, với diện tích 06 hecta, trong đó ruộng mô hình 02 hecta, ruộng đối chứng 04 hecta, trồng giống lúa xác nhận OM 18, nhằm đảm bảo tỷ lệ nảy mầm, độ thuần, tăng sức chống chịu và đảm bảo sức sống của hạt giống, giúp cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ. Đối với ruộng trong mô hình trình diễn sử dụng lượng giống 55 kg/hecta, áp dụng phương pháp sạ bằng máy sạ cụm, còn ruộng đối chứng sử dụng với lượng giống từ 140- 150 kg/hecta, đều áp dụng phương pháp sạ lan (phun bình máy). Anh Trần Thanh Sang với diện tích 05 công sạ lan và 05 công sạ cụm chia sẻ kết quả thực hiện:  “Theo như tôi thấy sạ lan dầy, bệnh nhiều hơn. Sạ cụm thoáng hơn, lúa màu đẹp hơn, chất lượng lúa đẹp hơn, ít lem lép hơn, còn bên sạ lan lem lép nhiều hơn sạ cụm”.

                   

   Khi thực hiện sạ cụm, khoảng cách hàng cách hàng 25cm, cụm cách nhau 16cm, với lượng giống 50kg-55kg/hecta, phương pháp sạ cụm trên nền phân bón chuyên dùng của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền vả tùy mỗi mô hình của từng hộ nông dân sẽ có nghiệm thức phân bón khác nhau. “Bà con cần lưu ý sạ cụm, mật độ giống thấp, chúng ta nên chọn giống xác nhận 1 tại vì giống chất lượng, khi mà sạ cụm độ nảy mầm tốt, giúp cho ruộng đồng đều hơn. Khi làm đất cũng phải bằng phẳng và bùn nhão, ngoài ra, ngâm giống làm sao là chúng ta ngâm 36 giờ vớt lên, hạt lúa nức nanh thôi thì chúng ta đem đi sạ, tránh trường hợp mà sạ cụm, chúng ta ủ giống chồi dài quá dài, làm cho ảnh hưởng độ rơi khi sạ cụm cũng như mật độ của sạ cụm”- Ông Hứa Long Sơn, Phó Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu cho biết thêm.

                   

   Khi so sánh lợi nhuận mô hình sạ cụm và sạ lan của nông dân, kết quả cho thấy trên nền phân bón tự do hiện có trên thị trường và bón phân theo tập quán của địa phương thì mô hình sạ cụm cho năng suất 6,17 tấn/hecta, cao hơn 0,09 - 0,17 tấn/hecta so với năng suất của ngoài mô hình sạ lan. Đồng thời, khi áp dụng bón phân trên nền phân bón bình điền, lợi nhuận trung bình ở ruộng áp dụng phương pháp sạ cụm của ông Nguyễn Văn Sơ và ông Nguyễn Văn Giang là 12.770.000 đồng, cao hơn 282.000 đồng so với ruộng sạ lan bón phân Bình Điền. Như vậy, lợi nhuận trung bình của các ruộng áp dụng sạ cụm l  cao hơn 3.200.000 đồng so với các ruộng áp dụng sạ lan. Từ hiệu quả kinh tế trên cho thấy, phương pháp sạ cụm mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao hơn so với phương pháp sạ lan. Đồng thời, nếu áp dụng phân bón chuyên dụng Bình Điền thì lợi nhuận sẽ tăng thêm. Anh Nguyễn Trường Giang, nông dân thực hiện mô hình phấn khởi, nói: “Nhờ có công ty Bình Điền hỗ trợ phân T1 với T2, Công ty Kim Hồng đem máy xuống hỗ trợ sạ trình diễn cho bà con mô hình sạ cụm, nếu Công Ty Kim Hồng có đem máy xuống sạ cụm, tôi sẽ đăng kí sạ cụm khuyến khích theo những chủ ruộng lận cận làm theo, theo lúc trước theo quan điểm sạ lan thì cũng êm nhưng mà áp dụng phương pháp sạ cụm thấy hiệu quả hơn, giống ít thiệt nhưng mà cho hạt chắc nhiều với bông to còn sạ lan bông nó nhỏ mà cũng có hạt lép”.

                   

   Bên cạnh để thực hiện mô hình, nông dân đã được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất mới có so sánh đối chứng, từ đó giúp nông dân thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi thực hành canh tác theo hướng tích cực, tiếp cận ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, ông Hứa Long Sơn, lưu ý: “Chúng ta quản lí về chuột, ốc ngay đầu vụ, chúng ta nên bón phân ở vùi ở đầu vụ, có thể bà con sử dụng cái phân bón chuyên dùng của Bình Điền. Quản lí nước rất quan trọng, đòi hỏi bà con cũng phải chủ động nước cho sớm”.

                   

   Ngoài ra, thành công của mô hình có thể nói là việc nông dân đã mạnh dạn giảm đáng kể lượng giống gieo sạ, từ 140- 150 kg/hecta xuống 55kg/hecta trên ruộng trình diễn. Đồng thời, giúp nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác lúa tiên tiến như áp dụng quy trình 1P5G, sạ thưa, quản lý dịch hại tổng hợp IPM …nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Chú Nguyễn Văn Sơ, phấn khởi cho biết: “Chúng tôi cũng tích cực trồng hoa trên các ruộng lúa của mình nhằm làm đẹp cho môi trường, dẫn dụ thiên địch, hạn chế được phun xịt trên ruộng lúa của mình. Thành thừ ra sắp tới theo chương trình đề nghị Trung tâm khuyến nông trung tâm, thị xã và của Tỉnh là làm sao tạo thêm điều kiện để bà con nông dân chúng tôi đăng kí máy sạ cụm này về đây để mà làm sạ cho nó nhân rộng ra để cho bà con nhằm giảm chi phí, tăng thu lợi nhuận”.

                   

   Con đường nội đồng tràn ngập sắc hoa vàng đã góp phần dẫn dụ thiên địch, mang lại không khí trong lành tại cánh đồng lúa, nhìn những cây lúc vươn mình phát triển tươi tốt, nông dân vô cùng phấn khởi, hứa hẹn vụ mùa thu hoạch đạt năng suất chất lượng. “Qua áp dụng mô hình sạ cụm, sẽ tăng năng suất lao động trên 50%, ít sâu bệnh và ít đổ ngã, nên là bà con áp dụng cái các biện pháp như là IPM để chúng ta hạn chế được cái phun xịt, hạn chế được phát thải khí nhà kính cũng như là hạn chế về ô nhiễm môi trường làm cho môi trường được tốt hơn trong lành hơn. Thứ 2 là hạn chế ảnh hưởng sức khỏe của bà con tham gia mà chúng ta phun xịt. Trong quá trình sạ cụm chúng ta khử lẫn tốt hơn và lúc thu hoạch cũng dễ hơn”- Ông Hứa Long Sơn, cho biết thêm.

                   

   Có thể thấy rằng, kết quả của một vụ mùa, được những nông dân tiếp cận, trực tiếp canh tác mô hình đánh giá, cũng đã cho thấy về những hiệu quả mang lại khi kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp vào đồng ruộng, từ khâu chọn giống, quản lý nước, phương pháp sạ cụm đến cách thức bón phân, thực hiện mô hình công nghệ sinh thái và theo dõi giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, đã giúp bà con nông dân tin tưởng và phấn khởi hơn trước vụ mùa Hè Thu 2022. Ông Hứa Long Sơn, nhấn mạnh: “Hỗ trợ của hợp tác xã cũng như sự đồng tình của bà con tham gia mô hình, qua quá trình thực hiện, ban đầu, nông dân cũng chưa mạnh dạn ứng dụng phương pháp sạ cụm, nhưng mà khi đã thực hiện đã có cái hiệu quả rồi đó, nông dân rất là phấn khởi, muốn thực hiện vụ tiếp theo với diện tích 100% . Bà con nông dân ở Tân An cũng muốn chỗ Công ty Sài Gòn Kim Hồng trong vụ 3 vụ Thu Đông tới cũng đem về máy sạ cụm làm sao phục vụ cái diện tích, nhân rộng cái diện tích nhiều hơn. Đối với Trạm, cũng có liên hệ với chỗ Công ty, một là Công ty phân bón Bình Điền, hai là Công ty TNHH Thương Mại dịch vụ Kim Hồng để mà đưa thiết bị máy sạ cụm về cũng như phân chuyên dụng để nhân rộng mô hình sạ cụm lên, thứ 2 là trình diễn máy 3 trong 1 là bón sạ lúa rồi vùi phân phun thuốc cỏ tự nảy mầm”.

                   

   Từ kết quả mang lại của “Mô hình sạ lúa theo cụm” lồng ghép trong “Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” đã cho thấy rằng để thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân là điều không phải dễ, rất cần sự đồng hành, chủ động của ngành chuyên môn trong tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, trình diễn những mô hình hay, cách làm hiệu quả, phù hợp nhu cầu thực tế nông dân và điều kiện canh tác tại địa phương, có như vậy, mới góp phần thay đổi sản xuất truyền thống sang mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào đồng ruộng, sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu và mang đến sản xuất nông nghiệp bền vững trong tương lai.

 

 

Huyền Thoại

Thống kê truy cập
  • Tổng lượt Truy cập:
  • Hôm nay:
  • Đang truy cập:
  • Giờ trái đất 2021 -
  • TỔNG ĐIỀU TRA KT-XH NĂM 2021 -
  • UBND Tân Châu -
  • Dân cư Chăm -
  • Chợ Tân Châu -
  • Bờ kè Tân Châu -
  • An Giang -

Copyright © 2019 tanchau.gov.vn. All Rights Reserved .